|
Nước sông Thị Vải ô nhiễm trầm trọng do Vedan xả thải bẩn khiến việc nuôi trồng và khai thác thủy sản thiệt hại nặng. |
Ông Phan Văn Phận cho biết, ngoài sự hỗ trợ về mặt pháp lý thì vai trò của Hội Nông dân huyện Cần Giờ cũng rất quan trọng trong việc giúp đỡ nông dân hoàn thành thủ tục khởi kiện Vedan.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP. HCM) đề nghị với Hội Nông dân TP.HCM cử ông đại diện cho nông dân trong vụ kiện Vedan. Nhiệm vụ chính của ông trong vai trò này là gì?
- Hiện tại, phía Hội Nông dân huyện chưa có thông báo chính thức nào về việc ai sẽ là người đại diện cho nông dân. Ngoài tôi ra còn có hai Phó Chủ tịch là ông Đỗ Thắng Tiên và bà Lê Thị Đào nằm trong danh sách đại diện cho nông dân trong vụ kiện Vedan sắp tới. Nhưng nông dân mới là những người quyết định chính thức người đại diện cho họ. Dù chọn ai thì chúng tôi cũng sẽ theo nông dân trong suốt vụ kiện.
Ông có nói đến việc điều chỉnh hồ sơ khởi kiện của nông dân, cụ thể là gì?
- Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ của nông dân huyện Cần Giờ từ TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) về TAND huyện Cần Giờ. Về cơ bản, nội dung đơn kiện không hề thay đổi chỉ có địa chỉ Tòa án là thay đổi. Do lượng đơn kiện của nông dân khá nhiều nên để đảm bảo thủ tục được xúc tiến nhanh chóng, chúng tôi sắp xếp hồ sơ theo ngành nghề. Về phía UBND các xã cũng cử người hỗ trợ Hội Nông dân hướng dẫn bà con nông dân sửa chữa lại hồ sơ đơn kiện cho phù hợp. Theo dự kiến, ngày 9-7 tới, chúng tôi sẽ kiểm tra lại toàn bộ thủ tục hồ sơ trước khi khởi kiện Vedan.
Ông tin là nông dân sẽ nắm chắc phần thắng?
- Tôi tin rằng, phần thắng sẽ nghiêng về phía nông dân. Thắng lợi dựa trên cơ sở pháp luật về môi trường, hơn nữa phía Vedan cũng thừa nhận họ xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng đã mời bà con nông dân lên xác nhận phần diện tích bị ảnh hưởng bởi chất thải của Vedan. Việc khởi kiện Vedan ra tòa lần này xem như đã đầy đủ chứng cứ.
Trong quá trình chuẩn bị thủ tục pháp lý cho vụ kiện, phía nông dân nói chung và Hội Nông dân nói riêng có gặp phải khó khăn gì về tài chính?
- Chúng tôi vẫn đang tính toán lại, hoặc UBND huyện sẽ ứng trước tiền án phí, hoặc nông dân phải tự đóng.
Đến nay, phía Vedan đã có ý kiến gì với phía Hội Nông dân chưa, thưa ông?
- Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nghe Vedan nói gì.
Xin cảm ơn ông!
Sáng 6-7, ông Trần Như Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, việc họp dân để biểu quyết phương thức yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại là trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Cụ thể, thông báo số 400/TB-TU của Tỉnh uỷ Đồng Nai ngày 15-6-2010 có nội dung: Hội Nông dân tỉnh phối hợp với ngành chức năng của tỉnh và cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các huyện Long Thành, Nhơn Trạch tổ chức họp dân của 4 xã Phước Thái, Long Phước, Phước An và Long Thọ thuộc hai huyện trên để lấy ý kiến, nguyện vọng của người dân về phương pháp, cách thức yêu cầu, mức độ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền vận động định hướng người dân căn cứ vào kết quả xác định phạm vi, mức độ thiệt hại do các cơ quan chức năng cung cấp trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế để thống nhất đưa ra mức yêu cầu Vedan bồi thường, hỗ trợ phù hợp cho người dân.
Hiếu Mỹ (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.