"Nếu quân đội không làm kinh tế ở vùng khó khăn thì chẳng ai làm!"

Lương Kết (thực hiện) Thứ năm, ngày 29/06/2017 19:00 PM (GMT+7)
“Khu vực biên giới rất cần quân đội, quân đội cũng rất cần dân ra sinh sống để góp phần gìn giữ biên cương. Những đơn vị quân đội làm kinh tế ở biên giới phục vụ dân là chính. Khi tình huống xảy ra, những đoàn kinh tế đó có thể chuyển thành đơn vị chiến đấu ngay”, Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - trả lời NTNN/Dân Việt.
Bình luận 0

Những ngày qua, Dân Việt liên tiếp đăng tải ý kiến xung quanh việc Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định Bộ đã có chủ trương không để quân đội làm kinh tế. Đây là một vấn đề quan trọng và có nhiều ý kiến của các vị tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng góp. Để rộng đường dư luận, Dân Việt xin tiếp tục đăng tải cuộc trao đổi giữa PV Dân Việt với Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - xung quanh chủ đề này.

Thưa Đại tướng, mới đây Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định Bộ đã có chủ trương cho quân đội thôi làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?

img

Đại tướng Phạm Văn Trà. (Ảnh: Tuấn Nam)

- Tôi nghĩ cần thực hiện theo lời Bác Hồ dạy. Bác dạy quân đội ta ngoài chức năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu còn phải tham gia lao động sản xuất. Nếu không có sản xuất, lao động thì không tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Tư tưởng đó đã được chuyển thành những Nghị quyết của Đảng cho quân đội tham gia làm kinh tế.

Có thể thấy, quân đội tham gia làm kinh tế cũng đã đóng góp nhiều lợi ích cho đất nước. Tôi lấy ví dụ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hàng năm nộp thuế cho ngân sách rất lớn.

Hiện có khoảng 50 nhà máy, xí nghiệp quốc phòng. Họ sản xuất phục vụ cho quốc phòng chỉ khoảng 25%, còn 85% là làm kinh tế để nuôi sống và duy trì công nghiệp quốc phòng. Làm như vậy trường hợp có chiến tranh, công nghiệp quốc phòng mới có điều kiện phát triển tốt để phục vụ chiến đấu.

Nếu như đất nước có điều kiện thì quân đội có nên thôi làm kinh tế để tập trung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu giống như các quốc gia khác không, thưa Đại tướng?

- Nếu trường hợp đất nước phát triển giàu có, hay nói cách khác là có điều kiện đi chăng nữa thì kinh tế quốc phòng vẫn cần phải làm. Tại sao ư?

Vì ở những nơi vùng biên giới, điều kiện khó khăn, liệu có doanh nghiệp dân sự nào dám ra đó đầu tư, chỉ có đơn vị quân đội làm kinh tế mới đứng chân được ở những địa bàn đó được. Hoạt động của các đơn vị kinh tế này không phải lúc nào cũng vì lợi nhuận, mà vì những mục tiêu quan trọng khác.

“Qua nghiên cứu, tôi thấy cuộc chiến tranh gần đây xảy ra như ở Trung Đông, một số nước bị tan rã đều có điểm chung là bị lực lượng khác từ biên giới đánh vào. Chính vì thế việc quân đội cùng với nhân dân kết hợp để củng cố biên giới vững chắc là hết sức quan trọng, có như vậy mới bảo vệ an ninh bên trong” – Đại tướng Phạm Văn Trà nói.

Từ hoạt động kinh tế của các đơn vị quân đội ở những địa bàn biên giới, người dân sẽ yên tâm ra sát khu vực đó sinh sống. Khi đã có dân, các đơn vị quân đội sẽ giúp nhân dân phát triển kinh tế, cùng nhân dân tạo thành vành đai vững chắc để bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Khi biên giới được giữ vững sẽ tạo ra sự yên ổn bên trong lãnh thổ để đất nước phát triển.

Nếu đặt vấn đề quân đội thôi làm kinh tế thì ở những vùng đất như vậy, chẳng có doanh nghiệp dân sự nào có thể thay thế được.

Có nhiều ý kiến cho rằng hiện các doanh nghiệp bình thường của quân đội đang được hưởng những lợi thế vì thế cần phải sớm cổ phần hóa, đảm bảo bình đẳng với các doanh nghiệp dân sự. Đại tướng nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi nghĩ những doanh nghiệp của quân đội hoạt động kinh tế bình thường, chẳng hạn như làm xây dựng thì nên cổ phần hóa, thứ hai là cấm quân đội tham gia buôn bán.

Còn đối với hoạt động nhà khách, nhà nghỉ của quân đội hiện nay tuy có làm thêm dịch vụ nhưng chỉ là tận dụng để có thêm kinh phí hoạt động. Các đơn vị này không nên cổ phần hóa.

Đối với những đơn vị quân đội làm kinh tế đơn thuần, cũng không nên cho dùng các phương tiện của quân đội, không đi xe biển số đỏ nữa… Việc này đã và đang được lãnh đạo Bộ Quốc phòng triển khai. Tôi được biết thời gian qua bên quân đội cũng đã thu lại nhiều xe ô tô biển số đỏ của những đơn vị làm kinh tế.

Vấn đề nữa là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng dần dần sẽ rút ra khỏi biên chế quân đội. Như vậy các doanh nghiệp quân đội hoạt động kinh tế đơn thuần sẽ không còn lợi thế từ những nguồn lực khác trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng.

Được biết thời còn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông có sáng kiến chuyển các sư đoàn thành các đoàn kinh tế đóng chân trên những địa bàn khó khăn, khu vực biên giới, thậm chí ở nơi không có dân để phát triển kinh tế. Tới nay, theo Đại tướng vai trò của những đơn vị này còn cần thiết không?

- Những đơn vị làm kinh tế ở khu vực biên giới lo cho dân là chủ yếu, càng giúp dân có cuộc sống ấm no, giàu có càng tốt. Các đơn vị đó tuy làm kinh tế nhưng lo cho đơn vị chỉ ở mức độ vừa phải, nghĩa là kết quả từ hoạt động kinh tế đảm bảo tiền lương cho anh, chị em trong đơn vị, còn lo cho nhân dân là chủ yếu. Những đơn vị quân đội làm kinh tế ở khu vực biên giới nếu không lo cho dân có nghĩa là đi chưa đúng hướng.

Ở khu vực biên giới rất cần quân đội, quân đội cũng rất cần dân ra đó sinh sống góp phần gìn giữ biên cương. Cho nên những đơn vị quân đội làm kinh tế ở biên giới phải lấy phục vụ dân là chính, đưa dân ra sinh sống, giúp dân có cuộc sống tốt lên là chính. Khi tình huống xảy ra, những đoàn kinh tế đó sẽ chuyển thành đơn vị chiến đấu.

Xin cảm ơn Đại tướng!

Đại tướng Phạm Văn Trà sinh năm 1935, quê Bắc Ninh. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII và IX, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1997 - 2006. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem