“Quân đội không làm kinh tế: Lý tưởng nhưng khó thực hiện ngay”

Lương Kết Thứ ba, ngày 27/06/2017 14:09 PM (GMT+7)
Theo thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ANLLVTND), nếu quân đội không làm kinh tế nữa sẽ có nhiều mặt rất tích cực. Như vậy trong thời bình, ngày ngày lực lượng quân đội chỉ tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập từ cấp chiến lược đến chiến thuật...
Bình luận 0

Lý tưởng nhưng khó thực hiện ngay

img

Thiếu tướng Lê Mã Lương (ảnh Đàm Duy).

Từ phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – về chủ trương “quân đội sẽ ngừng làm kinh tế”, thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng: Qua nghiên cứu ông thấy trong thực tiễn quân đội của nhiều nước trên thế giới đều không tham gia làm kinh tế.

“Trước đây quân đội Trung Quốc cũng tham gia làm kinh tế. Tuy nhiên sau khi thấy có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, trong đó có liên quan đến vấn nạn tham nhũng nên nước này đã cho quân đội thôi làm kinh tế” – tướng Lương nói.

Vị tướng từng tham gia nhiều trận mạc này cho rằng, khi quân đội của chúng ta không tham gia làm kinh tế nữa sẽ đem lại nhiều mặt tích cực. Ông phân tích: Trong thời bình, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, lực lượng quân đội chỉ tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập từ cấp chiến lược đến chiến thuật, diễn tập hiệp đồng tác chiến giữa binh chủng, diễn tập khu vực phòng thủ...

“Việc huấn luyện thường xuyên sẽ giúp người chiến sĩ nâng cao kỹ năng, chiến thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, người sĩ quan được nâng cao bản lĩnh trong các tình huống chỉ huy”, Thiếu tướng Lương phân tích.

“Cách đây gần 2 thập niên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng có sáng kiến chuyển các sư đoàn thành đoàn kinh tế. Các đoàn kinh tế này đóng ở những vùng đặc biệt khó khăn, thậm chí không có dân như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”, tướng Lương nói.

Điểm tích cực nữa theo tướng Lương là khi quân đội không làm kinh tế, các chiến sĩ sẽ dành được rất nhiều thời gian để nâng cao thể trạng, thể lực, tri thức quân sự.

“Khi những người lính có được những kỹ năng chiến đấu thuần thục, trường hợp được Nhà nước tuyển chọn ra nước ngoài tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, họ sẽ thể hiện được khả năng bắt nhịp nhanh, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, được quân đội các nước bạn nể trọng” – tướng Lương nhận định.

Tuy nhiên, theo vị AHLLVTND, để thực hiện được chủ trương cho quân đội thôi làm kinh tế không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề này còn phụ thuộc lớn vào tình hình kinh tế và điều kiện của đất nước, bên cạnh đó là tính truyền thống của quân đội khi tham gia làm kinh tế.

Quân đội không nên “ôm” các doanh nghiệp

Cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, quân đội tham gia làm kinh tế của nước ta có truyền thống từ xa xưa, như thời nhà Lý, Trần đã có chính sách “ngụ binh ư nông”, tức là gửi binh lính ở nông thôn, cùng sống với nhân dân để xây dựng lực lượng quân đội và phát triển sản xuất. Trong thời đại Hồ Chí Minh việc quân đội tham gia làm kinh tế được phát triển mạnh mẽ hơn.

“Vào những năm 80 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương Đảng và Nhà nước, lực lượng quân đội thành lập các đơn vị làm kinh tế. Tính đến nay Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có đến hàng ngàn doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ thuộc các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng... Sự phát triển của các DN trên góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội chúng ta phát triển. Trong đó, có nhiều DN đã tạo được tên tuổi lớn không chỉ trong nước mà còn ra cả quốc tế như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel” – thiếu tướng Lê Mã Lương đánh giá.

Tuy nhiên, vị tướng này thừa nhận trong hoạt động kinh tế nói chung giữa DN quân đội và DN dân sự chưa có sự công bằng. “Các DN quân đội hiện nay đang được hưởng nhiều chính sách đặc thù như lãnh đạo là các sĩ quan đội mũ có sao, đeo quân hàm, phương tiện giao thông biển số đỏ, các trang thiết bị chuyên dụng để tham gia vào các hoạt động, đặc biệt DN quân đội có lợi thế về đất đai rất lớn” – tướng Lương nói.

Theo tướng Lê Mã Lương, đến giai đoạn phát triển hiện nay quân đội không nên “ôm” các DN nữa mà nên cổ phần hóa các đơn vị này, đưa các đơn vị này ra khỏi quân đội và để nó hoạt động bình thường như các DN dân sự. “Khi không còn nguồn lực ưu đãi, các DN đảm bảo được sự minh bạch, sòng phẳng, công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh” – tướng Lương bày tỏ.

Tướng Lê Mã Lương phân tích thêm: Khái niệm quân đội làm kinh tế là rộng, ngoài các DN quân đội còn có các đoàn kinh tế hiện đang đứng chân tại những vùng đặc biệt khó khăn, thưa dân cư.

“Cách đây gần 2 thập niên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng có sáng kiến chuyển các sư đoàn thành đoàn kinh tế. Các đoàn kinh tế này đóng ở những vùng đặc biệt khó khăn, thậm chí không có dân như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”, tướng Lương nói.

Những nơi này chỉ có các đoàn kinh tế của quân đội mới trụ được. Bởi ở nơi điều kiện như vậy không một DN dân sự nào dám đến để đầu tư, vì khó khăn, nguy hiểm lại không có lợi nhuận. Các đoàn kinh tế quân đội hàng chục năm qua đã đứng chân tốt trên các địa bàn khó khăn, từng bước phát triển thành vùng kinh tế để dần dần dân ra sát khu vực đường biên giới sinh sống tạo thành vành đai trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

“Các đoàn kinh tế này vẫn cần phải duy trì chứ không thể nói quân đội thôi làm kinh tế là họ cũng thôi. Bên cạnh đó cần phải duy trì cả hoạt động kinh tế kiểu tăng gia, sản xuất ở các đơn vị quân đội để cải thiện bữa ăn và đời sống của cán bộ chiến sĩ” – thiếu tướng Lê Mã Lương chốt lại.

Tướng Lê Mã Lương có 45 năm tham gia quân đội, sau hòa bình ông cũng từng tổ chức làm kinh tế tại đơn vị quân đội. Hiện ông đang là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật VN

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem