Nếu vẫn trồng "vàng đen" theo cách này thì khách "dễ tính" đến mấy cũng lỗ như thường

Trần Luật Thứ sáu, ngày 24/12/2021 10:43 AM (GMT+7)
Được coi là “vàng đen” của Việt Nam nhưng do ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu dẫn tới cung vượt cầu khiến nhiều thời điểm giá thu mua “lao dốc”. Cùng với đó, việc không chú trọng cây giống và lạm dụng phân hóa học làm nhiều diện tích tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Bình luận 0

Trồng ồ ạt, chặt cũng ồ ạt

Cây hồ tiêu từng được mệnh danh là "vàng đen" giúp nhiều nông dân Đăk Nông trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, giá hồ tiêu cũng lập những "kỷ lục buồn", người trồng cây này từng rơi vào tình cảnh bết bát, lao đao. Năm 2015, hồ tiêu đạt đỉnh với giá hơn 250.000 đồng/kg, nhưng 4 năm liên tục sau đó, giá hồ tiêu liên tục giảm, có thời điểm ở dưới 40.000 đồng/kg.

Nâm N'Jang là xã có số lượng diện tích hồ tiêu lên đến hàng trăm hecta và là nơi có diện tích hồ tiêu nhiều nhất huyện Đăk Song (Đăk Nông). Cách đây 6 năm, thời điểm giá hồ tiêu lên mức trên dưới 200.000 đồng/kg, đời sống người dân nơi đây vô cùng sung túc. Biệt thự tiền tỷ mọc lên như nấm sau mưa, cả làng đua nhau đi học lái xe, hầu hết nhà nào cũng có ôtô.

Cơ hội làm mới quy hoạch hồ tiêu - Ảnh 1.

Người dân xã Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Trần Hiền

"Phải tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân bền vững, chặt chẽ hơn. Khi liên kết được thì doanh nghiệp chính là người tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bán bao nhiêu, bán cho ai".

TS Trương Hồng

Tuy nhiên, khi giá hồ tiêu xuống chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg, nhiều người dân Nâm N'Jang bỗng tay trắng. Theo chia sẻ của nhiều người dân, nguyên nhân chủ yếu khiến không ít tỷ phú hồ tiêu bỗng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất là khi được mùa tiêu, họ bị cuốn theo "cơn lốc" vay ngân hàng để tái đầu tư vườn cây hoặc xây nhà cửa, mua xe ôtô. Khi tiêu xuống giá quá thấp, họ không còn khả năng trả nợ...

Tương tự, nhiều nông dân ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) cũng từng rơi vào cảnh trắng tay vì đổ xô trồng hồ tiêu. Ông Trần Văn Bình (ở xã Sơn Thành Tây) là một trong số đó. Hơn 20 năm trồng hồ tiêu, nhiều vụ ông Bình thu cả tỷ đồng với năng suất tiêu đạt 6 tấn/ha. "Thời điểm đó, hồ tiêu mang lại lợi nhuận lớn nên ai cũng ham, đổ tiền vào đầu tư mở rộng diện tích. Như gia đình tôi, bán tiêu lãi được bao nhiêu đều đổ vào đầu tư tiếp. Thế nhưng, đời không như là mơ, chỉ vài năm sau, hoa lợi từ tiêu đâu không thấy, chỉ thấy thất bại, thua lỗ vì giá cả, dịch bệnh rồi thiên tai làm cho vườn tiêu ngày càng xác xơ, tiêu điều"- ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, ông đã phải bán mấy mảnh đất tại TP. Tuy Hòa đầu tư vào vườn tiêu này. Nhưng ngặt nỗi, càng đầu tư tiêu càng chết, dịch bệnh càng bạo nên gia đình quyết định từ bỏ. Đến nay, toàn bộ vườn tiêu rộng hơn 4ha của gia đình ông Bình được thay thế bằng những hàng mít, bơ, mãng cầu, ổi…

Thay đổi tư duy sản xuất

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai nhận định: Sản phẩm hồ tiêu chủ yếu dùng để xuất khẩu. Nhiều năm trước, cây tiêu đã mang lại lợi nhuận cao nên người dân ồ ạt trồng tự phát. Gia Lai có trong quy hoạch là 12.000ha để trồng tiêu, tuy nhiên, có thời điểm người dân trồng đến 18.000ha. Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng nông dân vẫn cứ trồng, không kiểm soát được. Một số nơi, nguồn đất đai không phù hợp với cây tiêu, quy trình kỹ thuật và các giống hồ tiêu không đúng chuẩn, không đảm bảo chất lượng.

Nếu vẫn trồng "vàng đen" theo cách này thì khách "dễ tính" đến mấy cũng lỗ như thường  - Ảnh 3.

Người dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Quang Huy

Khi nông dân thấy giá tăng cao thì tăng lượng phân bón để tối ưu hóa năng suất, sản lượng. Đây là việc làm nguy hiểm bởi sẽ làm thoái hóa, hư hại đất.

Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, cây tiêu ở Lâm Đồng phần lớn do nông dân trồng với quy mô nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp, HTX cũng như tổ hợp tác đầu tư quy mô tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Bởi vậy, cần đánh giá đầy đủ về tình hình phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để xác định vùng đất trồng phù hợp, qua đó khuyến cáo cho nông dân thâm canh, tăng năng suất, nhân rộng các mô hình liên kết phát triển ổn định, bền vững gắn với thị trường cạnh tranh.

Ngược lại, đối với diện tích hồ tiêu trồng trên các chân đất thoát nước kém, dễ nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm... ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục hướng dẫn nông dân chuyển sang các giống tiêu mới hoặc các loại cây trồng hiệu quả hơn, đồng thời không mở rộng diện tích.

Nếu vẫn trồng "vàng đen" theo cách này thì khách "dễ tính" đến mấy cũng lỗ như thường  - Ảnh 4.

Hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng hồ tiêu tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: Quang Huy

TS Trương Hồng - nguyên quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), cho rằng: "Trong thời gian tới, các ngành chức năng phải quy hoạch và quản lý quy hoạch cho tốt. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước là khoảng 150.000ha, các nhà quản lý điều chỉnh xuống khoảng 100.000ha là phù hợp và nên truyền thông để người nông dân được biết".

Cũng theo TS Hồng, hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, chiếm gần 60% thị phần thế giới nhưng chúng ta không kiểm soát được giá. Chính vì vậy, chúng ta phải sản xuất hồ tiêu sao cho trong bất kỳ tình huống nào cũng mang lại hiệu quả.

Để làm được điều đó, bà con cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như chọn giống tốt, sạch bệnh, chăm sóc mức độ vừa phải, bón phân hữu cơ, phân vô cơ cân đối; áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trong sản xuất sẽ giúp cho vườn hồ tiêu bền vững hơn. Như vậy, người trồng hồ tiêu vẫn có thể có lãi mặc dù giá xuống thấp hay không. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem