Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngã 3 Cò Nòi – "Huyết quản" của chiến dịch Điện Biên Phủ
Những ngày tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nơi có ngã ba giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6. Nơi đây, hơn 70 năm về trước là một "yết hầu" mà quân Pháp quyết liệt ngăn chặn nhằm cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Hơn 100 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại nơi đây, viết lên khúc tráng ca bất diệt trong thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Với quyết tâm bảo vệ thông suốt con đường huyết mạch, hơn 18.200 lượt thanh niên xung phong được huy động từ khắp các địa phương đã lên đường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, thường trực tại Ngã ba Cò Nòi khoảng 1.000 người thuộc Đội 34 và Đội 40.
Hầu hết các nhân chứng lịch sử từng công tác trên tuyến lửa Cò Nòi năm ấy, giờ đã vào tuổi "xưa nay hiếm", thế nhưng những ký ức một thời hoa lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí.
Thắp nén nhang thơm tri ân đồng chí, đồng đội tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi, ông Lò Văn Pọm, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La (dân quân du kích tại Ngã ba Cò Nòi) hồi tưởng về những ngày đêm chiến đấu kiên cường và cả những phút giây chứng kiến đồng đội hy sinh bên mình.
Ông Lò Văn Pọm chia sẻ: "Tôi nhớ nhất ngày 13/3/1954, địch đánh phá ác liệt nhất, chúng ta mất khá nhiều người. Ngày 14, chúng tôi đi tìm thi hài của thanh niên xung phong, có người chỉ còn cái tay, cái chân… cũng không biết của ai nữa. Chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt. Chúng rải bom, khu này tan nát hết. Bộ đội ta cũng đánh máy bay, cũng có pháo 37 đặt trên các đồi này đánh liên tục".
Để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi lịch sử, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Sơn La, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngã ba Cò Nòi được chọn quy hoạch trở thành một địa danh lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 2000, tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong; ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đón nhân dân vào tham quan, tưởng niệm.
Tượng đài di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi khắc ghi lại mốc son lịch sử hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đến tháng 7/2021, khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh giai đoạn I, thuộc dự án Tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Công trình này đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Em Lò Khánh Linh, học sinh Trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Em rất tự hào khi là người con của đất Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La, cũng là nơi có di tích lịch sử quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Em sẽ cố gắng học tập, để sau này có thể phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông; cùng các bạn trẻ ở đây chung tay gìn giữ, phát huy giá trị của di tích lịch sử".
Hôm nay, Cò Nòi không chỉ là một địa danh lịch sử gắn với sự hy sinh anh dũng của những người thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà vùng đất này còn được biết đến là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội ổn định, một khu đô thị mới đang hình thành xen giữa những nương ngô, bãi mía.
Chúng tôi được ông Lò Văn Chiến, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) mời vào thăm nhà. "Nghe tin cán bộ xuống bản, tôi vui lắm. Cán bộ đến là phải uống chén rượu mừng năm mới. Nói với cán bộ biết, mấy năm vừa rồi, nhờ Đảng, Nhà nước mách, bà con trong bản đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, nhờ vậy nhà nào cũng có của ăn của để, tết năm nào cũng vui" ông Chiến nói.
Giọng nói ấm áp, mộc mạc của người cán bộ xã năm nào vẫn vậy, người có nhiều đóng góp cho sự thay đổi của Cò Nòi như ngày hôm nay. Ông Chiến nhớ lại: Cò Nòi cách đây 20 năm trước là vùng đất hoang sơ và đói nghèo. Người dân trong vùng thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào các loại cây trồng ngắn ngày trên nương như cây ngô, cây sắn, phương thức canh tác thị lạc hậu, đất đai thì bạc màu. Giao thương hàng hóa lúc đó hầu như không phát triển. Đường giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao.
"Bà con nông dân thời điểm đó khổ lắm, kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày. Sản phẩm nông nghiệp làm ra thì không được bao nhiêu, có làm được cũng khó khăn cho việc tiêu thu. Tư tưởng của người dân lúc đấy cũng chỉ làm cho đủ ăn thôi" ông Chiến nói.
Đến những năm 1996, thời điểm đó, trên địa bàn xã có nhà máy mía đường đi vào hoạt động ổn định, mở ra con đường mới cho nông dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Với sự vận động của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự hỗ trợ về giống, phân bón, công làm đất của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, các hộ dân tại bản Cò Nòi, bản Nhạp, bản Lếch, Hua Tát,… đã chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng mía, phúc vụ vùng nguyên liệu cho nhà máy. Chỉ 3 năm sau đó, từ một 2 bản trồng mía, đã lan rộng đến tất cả các bản, xã Cò Nòi trở thành vùng mía nguyên liệu của công ty mía đường, với hàng trăm héc ta.
"Nhờ có cây mía, cuộc sống của người dân Cò Nòi đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Nhà ít thì hơn 1ha, nhà nhiều thì vài ha mía. Người dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhà nào cũng có của ăn của để, con cái đều được đến trường đến lớp", ông Chiến nói.
Ngoài là vùng mía của Sơn La, hiện nay Cò Nòi còn biết đến là vùng trồng cây ăn quả lớn của huyện Mai Sơn (Sơn La), với các loại giống cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Dọc theo QL 37, chúng tôi tìm đến Bản Xuân Quế, khắp các sườn đồi, đâu đâu cũng bắt gặp người dân đang tất bật thu hái những quả dâu tây chín mọng, đỏ tươi. Những năm trở lại đây, nhờ đưa giống cây trồng mới vào canh tác, người dân nơi đây đã có thu nhập cao, nhà ít thì thu vài trăm triệu, nhà nhiều thi thu cả tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng dâu tây. Xuân Quế được biết đến la vùng trồng dâu tây lớn của xã Cò Nòi.
Anh Nguyễn Văn Nam, giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Hiện HTX có 12 thành viên. Năm 2022, tổng diện tích sản xuất của HTX là 60 ha, trong đó, dâu tây khoảng 30 ha. Bên cạnh đó HTX có liên kết trong tiêu thụ là 30 ha, ước đạt 600 tấn sản phẩm dâu tươi và khoảng 200 tấn sản phẩm cấp đông. Nhằm đẩy mạnh sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm dâu tây địa phương, HTX đã liên kết các hộ nông dân cùng đầu tư chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững, nâng cao thu nhập cho các thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, người dân xã Cò Nòi còn đồng lòng góp sức xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiến Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Từ năm 2012, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, điều kiện của xã hết sức khó khăn. Toàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí cũng như đời sống cơ sở vật chất của bà con còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo cao nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới chúng tôi đã gặp không ít khó khăn.
Thế nhưng, được sự hỗ trợ của lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh Sơn La và sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi. Toàn xã có có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống như, Kinh, Mông, Thái. Xã có hơn 4.8000 hộ, hơn 20.000 nhân khẩu. Các hộ được sử dụng điện, nước an toàn, đạt 100%. Các tuyến đường giao thông liên bản, liên xã được bê tông hóa đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Trường mầm non, trường THCS và tiểu học, Trường THPT được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học của các cháu học sinh".
Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, các cấp lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đều quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Các mô hình trồng cây ăn quả được quan tâm phát triển, như: Na, xoài Đài Loan, thanh long, cam, bưởi và các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao khác. Đời sống vật chất của người dân không ngừng được nâng cao rõ rệt. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được duy trì và phát triển. Cuộc sống của đồng bào nơi đây có nhiều đổi. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.