Nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam, dù đã quá quen với các kỳ hội chợ quốc tế, vẫn cảm thấy “ngợp” trước lượng khách đến tham quan hội chợ thuỷ sản quốc tế tại TP Moscow, Nga (15 – 17.9). “Tiếp khách bở hơi tai” là cụm từ được nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhắc đến khi khách từ 84 tỉnh, thành Nga ùn tới tìm nguồn hàng thay thế nguồn châu Âu và Mỹ đang bị cấm nhập khẩu. Denis Repinski, giám đốc điều hành công ty DF có trụ sở tại TP Moscow tới hội chợ từ rất sớm. Ông đi thẳng một mạch tới gian hàng cá tra của doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ hội kiếm tiền…
Không phải tự nhiên mà con cá tra, ngay cả tôm thẻ chân trắng, hay vài món cá biển đánh bắt đưa từ Việt Nam sang, lại được khách hàng Nga đặc biệt quan tâm. Nguyễn Hải, du học sinh sang Nga những năm 1980, ra trường ở lại kinh doanh thuỷ hải sản, nói nhà nhập khẩu Nga nhìn ra cơ hội thuế suất từ Việt Nam sẽ cạnh tranh so với các nước vào đầu năm tới.
Nhiều doanh nghiệp Nga đến hội chợ tìm nguồn hàng. Ảnh: Hoàng Bảy.
1kg đùi tỏi gà công nghiệp trong cửa hàng 24/24 giờ nằm ngay sát hông hội chợ thuỷ sản có giá 138 rúp. Còn món đùi góc tư và ức có giá 128 – 130 rúp. Hôm đó là ngày 17.9, đồng hồ điện tử treo ở nhiều con phố tại TP Moscow niêm yết tỷ giá 38,40 rúp ăn 1 USD; muốn đổi qua euro phải cộng thêm 1,1 rúp nữa. Tính ra ra giá thịt gà mà người dân Nga đang ăn dao động từ 3,3 – 3,5 USD/kg, tương đương 69.000 – 74.000 đồng. Trước khi đi Nga, qua nguồn tin thân cận báo cho biết có hai doanh nghiệp Nga tìm đến công ty chăn nuôi gà Việt Nam đặt hàng. Khi về, chúng tôi kiểm tra lại giá gà trong nước, so sánh với giá tại Nga, thấy Việt Nam có thể xuất được gà sang Nga.
Càphê Nestlé chu cấp miễn phí trong khách sạn Metropol, nằm ngay giữa trung tâm Quảng trường Đỏ ở TP Moscow, khu vực được coi là đắt đỏ nhất nước Nga. Mỗi phòng hai người được Metropol miễn phí một rổ nhựa nho nhỏ càphê Nestlé hoà tan với đủ loại – đều có bán ở Việt Nam. Lương Thế Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần càphê Mê Trang (Nha Trang, Khánh Hoà) cũng lăn lộn sang Nga tìm cơ hội bán hàng. Hùng nói: “Nestlé là thương hiệu lớn, nhưng Mê Trang sẽ thuyết phục người Nga bằng càphê sạch”. Bốn ngày ở Nga, Hùng nói anh đã gặp được một số đối tác, có cả Việt lẫn Nga. Anh trực tiếp pha càphê Mê Trang cho họ dùng thử. Họ khen. “Chưa hứa hẹn gì nhiều, nhưng đây là bước khởi đầu thành công”, Hùng tự tin cho kế hoạch đưa Mê Trang thâm nhập thị trường Nga ngay trong năm nay của mình.
Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết đã đạt được thoả thuận với đối tác Nga để xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản và kho lạnh tại TP Moscow. Kết thúc hội chợ, Hùng Vương còn ký được hợp đồng xuất khẩu “khủng” 40.000 tấn cá thành phẩm các loại sang thị trường Nga, thời gian giao hàng từ tháng 10 đến quý 1/2015. Công ty này còn nhanh chân ký thêm thoả thuận nhập khẩu cá sole fish (cá lưỡi trâu) từ vùng biển Vladivostok của Nga về chế biến, sau đó xuất ngược trở lại thị trường này.
… Có điều kiện
Hơn năm trước, DF là khách hàng số một mua cá tra Việt Nam. Denis Repinski đánh giá cao chất lượng loài cá da trơn nuôi bằng nguồn nước tự nhiên dòng sông Mekong có một không hai này, nhưng ông không hài lòng cách mà doanh nghiệp Việt Nam ăn gian trọng lượng. Thay vì mạ băng 20%, Denis Repinski “tố cáo” có lô hàng DF nhận được lên đến 30%. “Tôi cần hàng của các ông, nhưng xin hãy đảm bảo cho tôi chất lượng”, Denis Repinski cầm miếng philê cá tra lên, nhờ một phiên dịch nhắc lại lời ông cho giám đốc doanh nghiệp Việt Nam nghe.
Dmitri Danguaer, điều hành công ty RFish nói với chúng tôi (qua phiên dịch): “Bọn tao cần nhiều hàng từ Việt Nam, chỉ sợ chúng mày không đáp ứng đủ”. Vừa dứt câu, Dmitri Danguaer nghiêm nét mặt: “Trước đây, hàng từ Việt Nam thường đạt chất lượng hơn Trung Quốc, nhưng bây giờ tao phải xem xét chất lượng mới quyết định!”
Nga đang áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu lên hàng hoá nhập vào nước này. Denis Repinski khuyến cáo các doanh nghiệp cá tra phải cam kết giữ đúng chất lượng khi bán vào Nga nếu không muốn bị loại ra ngay từ vòng đầu.
Chú “Gấu” đòi chơi đúng luật
Các cơ quan gác cổng về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan hải quan chống gian lận thương mại Nga làm việc có trách nhiệm. Hàng hoá khó có thể từ một nước thứ ba lọt vào Nga hòng trốn thuế hoặc bán phá giá. Bài học con cá tra xuất sang Belarus, Kazakhstan, sau đó bán ngược vào Nga bị hải quan nước này phát hiện, sau đó lập tức ban hành lệnh cấm nhập khẩu hồi tháng 4 năm ngoái vẫn còn nóng hổi với doanh nghiệp Việt Nam. Có lẽ, vì thấy trước nguy cơ dễ bị “trở cờ” mà ngay tại hội chợ thuỷ sản, thay vì đàm phán các khâu trong mua bán hàng, Denis Repinski đề nghị “các công ty xuất nhập khẩu lớn” giữa Việt Nam và Nga nên ngồi lại với nhau bàn chiến lược phát triển thị trường, trong đó tập trung vào định vị sản lượng và chất lượng, giá cả nhằm giúp thị trường Nga đi vào ổn định…
Nói như vậy để thấy, một mặt nào đó, thị trường Nga đúng là đang cần thực phẩm. Nhưng, chúng ta đừng thấy vậy mà xếp Nga vào thị trường dễ tính. Chưa nói đến các thủ tục thanh toán rườm rà quy đổi giữa đồng rúp/USD/VND do Việt Nam và Nga chưa có cơ chế công nhận hai đồng tiền của nhau. Doanh nghiệp xuất hàng sang Nga thường không thể mở L/C mà chỉ thanh toán bằng tiền mặt, dựa trên uy tín. Ai có mối mang ở Nga hoặc cắm rễ ở thị trường này lâu năm may ra mới tranh thủ được cơ hội. Ngoài thủ tục pháp lý ngặt nghèo, làm ăn ở Nga còn lệ thuộc nhiều luật lệ phi chính thức…
(Theo Thế giới Tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.