Một trong những nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới của Pháp.
Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu phục vụ các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm. Do đó, việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng.
Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom hiện nắm giữ 36% thị phần trong thị trường uranium làm giàu trên toàn cầu. Tập đoàn Urenco có trụ sở tại Vương quốc Anh, xếp thứ 2 với 30% thị phần. Công ty Orano của Pháp nắm 14% trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ 12% thị phần.
Theo Nikkei, Nga đáp ứng 16% nhu cầu các sản phẩm từ uranium của Mỹ trong năm 2020, xếp thứ ba sau Canada và Kazakhstan.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga. nhưng cho đến nay, uranium của Nga không phải là sản phẩm nằm trong lệnh cấm.
Đối với châu Âu, Nga đáp ứng 20% nhu cầu uranium làm giàu, theo số liệu thống kê chính thức năm 2020. Giá thành uranium làm giàu do Rosatom cung cấp tương đối thấp, tạo ra sức cạnh tranh rất cao trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, các nước Đông Âu cũng khó có thể thay đổi nguồn cung cấp uranium từ Nga vì sở hữu các lò phản ứng theo công nghệ Nga.
Việc chuyển đổi ngay lập tức sang các nguồn nhiên liệu năng lượng hạt nhân khác là rất khó để thực hiện, khó hơn nhiều so với dầu mỏ hay khí đốt, theo Nikkei.
Mỹ đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân để giảm phụ thuộc vào Nga. Centrus Energy, nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, đã được “bật đèn xanh” để tăng 20% mức sản xuất uranium làm giàu trong năm nay.
Nhưng trong ngắn hạn, Mỹ chưa thể ngừng nhập khẩu uranium làm giàu từ Nga. Một giải pháp khác là Mỹ thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản, cùng “tạo ra chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân linh hoạt hơn, phục vụ cho các lò phản ứng hiện có và đang xây mới”.
Nhật Bản là một trong số những quốc gia phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng tạo ra từ các lò phản ứng hạt nhân. Nước này đang dư thừa nhiên liệu hạt nhân do nhiều lò phản ứng chưa được khởi động lại sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Ngày nay, Nhật Bản gần như tự chủ hoàn toàn trong việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Cơ sở tái chế và sản xuất nhiên liệu hạt nhân Rokkasho ở tỉnh Aomori có khả năng cung cấp uranium làm giàu, nhưng vẫn cần có thêm các đánh giá an toàn, theo Nikkei.
Trong tương lai, nỗ lực giảm khí thải carbon khiến nhiều quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh và Pháp tính tới việc xây thêm các lò phản ứng hạt nhân. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.