Nga kiều nào từng chiến đấu chống Hitler bằng quân đội riêng?

Thứ tư, ngày 26/04/2023 14:33 PM (GMT+7)
Trong khi người dân Liên Xô chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Hitler, thì số mệnh đưa đẩy những kiều dân Nga ra những mặt trận khác nhau. Tại Bắc Phi trong năm 1942-1943, “quân đội riêng của Popski” do Penyakov chỉ huy đã gieo rắc sự sợ hãi cho quân Đức và Ý.
Bình luận 0

Đường đến sa mạc

Vladimir Penyakov là một Nga kiều thuộc thế hệ thứ hai ở nước ngoài. Cha của ông, kỹ sư công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp luyện kim, di cư sang Bỉ sinh sống vào năm 1894, 3 năm trước khi ông chào đời. Vladimir Penyakov theo học tại Trường cao đẳng Thánh Gioan ở Cambridge, Anh. Năm 1917, sau nhiều lần do dự, ông tình nguyện tham gia quân đội Pháp và bị thương trong trận đánh chống quân Đức.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Penyakov sống ở Ai Cập, nơi ông làm việc trong một nhà máy đường và dành thời gian rảnh rỗi đi du lịch qua sa mạc trên chiếc xe “Ford” của mình. Ông học cách xác định phương hướng theo la bàn và những ngôi sao, cũng như tìm kiếm những ốc đảo bằng cách quan sát hành vi của động vật. Trải qua nhiều tuần trên sa mạc, Penyakov đã hủy hoại hạnh phúc riêng của mình và cuối cùng phải ly hôn vợ, người vốn không thích sự vắng mặt thường xuyên của chồng. Tuy nhiên, trải nghiệm này là vô giá trước khi bắt đầu nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1940, khi Bắc Phi xảy ra chiến sự, Penyakov được phong hàm Trung úy trong quân đội Anh. Năm 1942, Bộ chỉ huy quân sự Anh cho phép Nga kiều này thành lập nhóm biệt kích tinh nhuệ hoạt động xa để cài cắm vào hậu phương quân địch.

Nga kiều nào từng chiến đấu chống Hitler bằng quân đội riêng? - Ảnh 1.

“Quân đội riêng của Popski”

Nhằm giữ bí mật khi điện đàm qua sóng vô tuyến, Penyakov đã mượn họ của các diễn viên hài kịch được đăng trên tờ The Daily Mirror và tự xưng mình là “Thiếu tá Popski”. Đơn vị do ông đứng đầu có tên chính thức là “Nhóm biệt kích hoạt động xa số 1”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong các tài liệu thậm chí còn dùng thêm tên gọi hài hước nữa là “Popski’s private army” (“Quân đội riêng của Popski”).

Tuy vậy, cũng không nên phóng đại mức độ độc lập của Vladimir Penyakov, bởi với một nhóm chỉ có 23 người thì khó có thể gọi là “quân đội” (trong suốt những năm chiến tranh, nhóm biệt kích này chỉ có quân số tổng cộng chừng hơn 100 người). Nòng cốt của “quân đội riêng” này là người dân tộc Ả Rập, vốn dễ dàng thích nghi với điều kiện sống trên sa mạc và căm thù thực dân Ý.

Đội quân của “Thiếu tá Popski” đi khắp các vùng cát trên những chiếc xe Jeep mẫu Willys MB của Mỹ. Họ được vũ trang súng lục bán tự động Colt, súng máy liên thanh Tompson, lựu đạn và dao. Trong những cuộc đột kích vào ban đêm, lính biệt kích bắn phá các mục tiêu của kẻ địch bằng súng máy đặt trên thân xe. Một lần, “quân đội riêng của Popski” đã phá hủy sân bay Bars ở miền Đông Libya, khi cho nổ tung hơn 30 máy bay của Ý. Một lần khác, toán biệt kích sa mạc này đốt cháy một cơ sở dầu mỏ lớn, làm cản trở đường tiếp viện xe tăng của quân phát xít. Mối quan hệ mật thiết với thủ lĩnh các bộ lạc địa phương đã giúp binh sĩ của Penyakov tìm ra những mục tiêu của kẻ địch. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Tunisia vào đầu năm 1943, “quân đội riêng của Popski” đã hỗ trợ lính xe tăng Anh đi vòng từ phía sườn của quân Thống kế Đức Erwin Rommel, nhờ đó đánh bại hoàn toàn vị tướng huyền thoại mang biệt danh “Cáo Sa mạc” này.

Khi người Anh hoàn thành giải phóng Bắc Phi, “quân đội riêng của Popski” được điều động sang Ý, nơi nhóm biệt kích này được sử dụng để luồn sâu trinh sát trong lòng địch. Tại đây, theo lời kể lại của Penyakov, tham gia nhóm còn có thêm hai tù binh người Nga vừa trốn thoát. Chiến đấu ở những khu vực địa hình sông ngòi và kênh mương chẳng chịt, nơi đầy rẫy những bãi mìn của quân Đức, binh lính của Penyakov đi trên những chiếc xe Jeep gặp khó khăn hơn nhiều so với đi trên sa mạc. Tháng 12/1944, trong khi giải phóng một trang trại ở Ý, Vladimir Penyakov bị thương trên cánh tay trái khiến các bác sĩ phải cắt cụt. Tuy nhiên, nhóm biệt kích của ông vẫn tiếp tục chiến đấu hiệu quả và tiến về thành phố Ravenna của Ý. Tháng 9/1945, tại Áo “quân đội riêng của Popski” đã giải thể hoạt động hoàn toàn.

Bộ chỉ huy quân sự Anh đã ghi nhận tài năng và chẩm phất của Nga kiều Vladimir Penyakov. Tháng 4/1945, ông được trao tặng Huân chương “Vì công lao xuất sắc” của nước Anh. Trước khi qua đời vào năm 1951 tại Luân Đôn, cựu chiến binh này đã kịp xuất bản cuốn hồi ký mang tên “Quân đội riêng của Popski”, nhờ đó mà thế giới biết đến những chiến công của nhóm biệt kích do Penyakov chỉ huy trong Thế chiến II. Kinh nghiệm của đơn vị biệt kích này đã ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh. Nhiều cựu quân nhân dưới cấp của Vladimir Penyakov về sau trở thành những lãnh đạo trong các đơn vị khác nhau.


Quốc Khánh (Theo Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem