Nga - Trung Quốc cùng hạn chế xuất khẩu một sản phẩm quan trọng, Bộ Nông nghiệp Mỹ ra ngay khuyến cáo

K.Nguyên Thứ hai, ngày 07/03/2022 20:10 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine khiến việc vận chuyển gặp khó khăn, viện Nga - Trung Quốc cùng hạn chế xuất khẩu một số loại phân bón có thể gây áp lực lên thị trường phân bón thế giới.
Bình luận 0

Chiến sự Nga - Ukraine góp phần đẩy giá phân bón lên cao

Là những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, việc Nga - Trung Quốc cùng hạn chế xuất khẩu phân bón có thể gây áp lực lên giá phân bón thế giới, cộng thêm tác động của chiến sự Nga - Ukraine càng khiến nguồn cung phân bón trở nên khan hiếm.

Thực tế, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trên thị trường kali thế giới, Nga cung cấp đến 18% nhu cầu.

Ngoài ra, theo ngân hàng Scotiabank, Nga chiếm đến 20% lượng amoniac và 15% lượng urê xuất khẩu toàn thế giới.

Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cung cấp đến 10% lượng urê và khoảng 1/3 lượng phốt phát xuất khẩu trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, nhiều nhà vận chuyển nước ngoài tránh xa khu vực này. 

Thậm chí, một số công ty vận tải biển lớn đã phải tạm ngừng dịch vụ đến các cảng của Nga.

Đó là chưa kể, các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung MOP toàn cầu, đã ảnh hưởng đến tổng lượng kali xuất khẩu.

Đảm bảo nguồn cung phân bón  - Ảnh 1.

Chiến sự Nga - Ukraine góp phần đẩy giá phân bón lên cao. Trong ảnh: Sử dụng phân đạm hạt vàng Đầu Trâu cho cây khóm (dứa) tại huyện Gò Quao, Kiên Giang. Ảnh: T.L

Chiến sự Nga - Ukraine khiến giá phân bón tăng, Bộ Nông nghiệp Mỹ phải ra cảnh báo

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón đã tăng cao kể từ năm 2020 đến nay. Nguyên nhân là do Giá khí tự nhiên đã tăng đột ngột, đặc biệt là ở châu Âu, có lúc đã tăng hơn 300%. 

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây, giá dầu thô ngày 07/3/2022 đã đạt mức kỷ lục, giá dầu thô Brent ở mức 128,7 USD/thùng. Trong khi, giá dầu Brent cùng thời điểm này của các năm 2019, 2020, 2021 giao động ở mức 60-80 USD/thùng.

Giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, giá phân bón tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá lương thực, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.

Cụ thể: Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021, bao gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate. Lệnh này không biết có hiệu lực đến bao giờ.

Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong sáu tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao. Hạn ngạch xuất khẩu phân đạm dự kiến là 5,9 triệu tấn; Hạn ngạch đối với phân bón chứa Nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.

Khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây hôm 26/2/2022 đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication).

Việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng trong đó có phân bón của Nga.

Trước việc giá phân bón tăng cao, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã cảnh báo các nhà cung cấp phân bón không lợi dụng những căng thẳng địa chính trị đang xảy ra để làm tăng giá phân bón lên vượt quá mức được quy định bởi các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu. 

Tuy nhiên, Viện Phân bón Mỹ đã phản bác và khẳng định các công ty thành viên của viện không làm như vậy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem