Nga nói gì về đòn trừng phạt nặng nề Mỹ dọa áp đặt với ông Putin?

Đăng Nguyễn - Reuters Thứ năm, ngày 27/01/2022 07:00 AM (GMT+7)
Nga ngày 26.1 cảnh báo đòn trừng phạt của Mỹ nhắm vào cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không có tác dụng, thậm chí gây “hủy hoại về mặt chính trị" cho Mỹ.
Bình luận 0

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25.1 để ngỏ khả năng áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào ông Putin. Đây là một phần trong các biện pháp trừng phạt đang được cân nhắc của Mỹ, nhằm răn đe nếu Nga tấn công Ukraine.

Các nghị sĩ Mỹ đã trình dự luật trừng phạt Nga và cá nhân ông Putin để ông Biden xem xét.

Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov ngày 26.1 nói đòn trừng phạt nhắm vào ông Putin và các quan chức cấp cao Nga sẽ không có tác dụng, vì ông Putin hay các quan chức khác không nắm giữ tài sản, bất động sản hay có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

"Các chính trị gia đề cập ý tưởng trừng phạt cá nhân Tổng thống Putin không có hiểu biết về vấn đề", ông Peskov nói. "Bất kỳ động thái nào của phương Tây nhằm trừng phạt cá nhân ông Putin không gây tổn hại cho ông ấy, nhưng gây ra sự hủy hoại về mặt chính trị".

Tuần trước, ông Peskov đã cảnh báo quan hệ Nga-Mỹ có thể sụp đổ hoàn toàn nếu Mỹ trừng phạt ông Putin. Mỹ hiếm khi áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào lãnh đạo đương nhiệm của một quốc gia khác.

Trong nhiều tuần qua, Mỹ đã cố gắng hối thúc các đồng minh châu Âu đồng thuận với các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga. Nhưng các quốc gia châu Âu bày tỏ thái độ lưỡng lự vì phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga, cũng như những tổn hại về quan hệ thương mại.

Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Italia như gã khổng lồ điện lực Enel, ngân hàng UniCredit (CRDI.MI) và công ty bảo hiểm hàng đầu Generali (GASI.MI) ngày 26.1 đã có cuộc điện đàm với ông Putin, bất chấp cảnh báo từ chính phủ.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi coi Italia là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu", ông Putin nói, ca ngợi sự hợp tác với các công ty và ngân hàng của Italia trong các dự án năng lượng.

Châu Âu phụ thuộc vào 30% lượng khí đốt từ Nga, những rào cản nếu được áp đặt sẽ càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng năng lượng.

Mỹ đã đề xuất mở tuyến đường cung cấp dầu mỏ và khí đốt mới cho châu Âu từ Trung Đông và Bắc Phi, nếu Nga tấn công Ukraine.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem