Nhóm tác chiến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov bao gồm cả tàu tuần dương Peter the Great, tàu khu trục chống ngầm Severomorsk và Phó Đô đốc Kulakov, cùng nhiều tàu hỗ trợ đã được triển khai đến Địa Trung Hải vào tháng 10-2016. Nhóm tàu này đã duy trì sự hiện diện tại Địa Trung Hải đến ngày 6.1, khi Tổng thống Putin ra lệnh rút lui nhằm tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình tại Syria.
Trong 3 tháng thực hiện nhiệm vụ của nhóm tàu trên, chi phí 170 triệu USD được RBC ước lượng dựa theo đánh giá từ các nguồn thông tin mở, nhận định của chuyên gia hay các cựu quân nhân từng phục vụ trong quân đội Nga.
Nhiên liệu vận hành
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các phi công của hải quân nước này đã tiến hàng 420 chuyến bay từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Tướng không quân về hưu Nga, Peter Deinekin cho rằng, ước tính chi phí nhiên liệu là điều khó khăn và thiếu chính xác nhất, do trên thực tế, giá mà hải quân Nga mua thường cao hơn mức giá thị trường do vấn đề tham nhũng.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã có 117 ngày làm nhiệm vụ chống khủng bố
Nếu dựa vào ước lượng chính xác theo mức giá hiện nay và mức độ tiêu thụ nhiên liệu của các loại máy bay tham chiến, chi phí cho mỗi chuyến bay từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào khoảng 60.000 USD, tức là con số tổng cộng tương đương 25,3 triệu USD.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov di chuyển khoảng 9.800 km từ bán đảo Kola đến Syria, tiêu thụ hết 13.600 tấn dầu, tương đương 5,11 triệu USD. Nếu tính chi phí nhiên liệu của nhóm tàu đi cùng, tổng chi tiêu về nhiên liệu cho cả chuyến đi và về của nhóm tàu này cũng lên đến 25 triệu USD.
Tai nạn
Hải quân Nga phải chịu tổn thất lớn sau 2 vụ rơi máy bay MiG-29K và Su-33 trong chiến dịch này. RBC tính toán giá của một chiếc MiG-29K mà Nga đang rao bán là 52 triệu USD, trong khi, Su-33 là mẫu máy bay chỉ được sản xuất với số lượng ít nên có giá cao hơn. Như vậy, đây chính là phần chi phí chiếm nhiều nhất với con số tổng cộng là từ 84 đến 110 triệu USD.
Đã có một chiếc MiG-29 va Su-33 rơi khi làm nhiệm vụ
Tuy nhiên, phó giám đốc Viện Phân tích quân sự và chính trị, ông Alexander Khramchikhin lại nhận định rằng, chi phí này có thể ít hơn do đây đều là những mẫu máy bay được Nga tự sản xuất nên không thể áp dụng mức giá rao bán cho khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, Su-33 đang trong giai đoạn loại bỏ dần khỏi biên chế nên có thể nói là không đáng giá.
Chi phí sinh hoạt
RBC cho rằng, nếu chi phí đồ ăn vào khoảng 15 USD/người/ngày, tổng cộng chi phí cho đội 1960 thủy thủ của tàu Đô đốc Kuznetsov đã lên tới 28.000 USD. Như vậy, 3,3 triệu USD đã được chi cho nhu cầu ăn uống của thủy thủ trên tàu Đô đốc Kuznetsov trong 117 ngày làm nhiệm vụ và 2,2 triệu USD là cho thủy thủ các tàu hỗ trợ khác. Ngoài ra, lương của các thủy thủ và chỉ huy được ước lượng tổng cộng khoảng 600.000 USD.
Theo RBC, việc triển khai tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov không phải xuất phát từ nhu cầu cần thiết do, Nga đã có các căn cứ quân sự trên mặt đất làm bàn đạp để tấn công khủng bố, mà đây đóng vai trò như một đợt tập trận thực tế và quy mô lớn nhất từ trước tới này có sự góp mặt của tàu sân bay. Như vậy, Nga chi ra 170 triệu USD không chỉ để chống khủng bố mà còn là trang bị kinh nghiệm chiến đấu thực tế cho hải quân, cũng như minh chứng khả năng vươn sức mạnh đến mọi nơi trên thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.