Nga - Trung ngăn chặn “kịch bản Iraq” với Iran

Thứ sáu, ngày 11/11/2011 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran, Nga và Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ bản báo cáo này.
Bình luận 0

Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân

Ngày 9.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Ramin Mehmanparast tuyên bố, Tehran sẵn sàng tham gia đàm phán với các cường quốc về chương trình hạt nhân của nước này, nhưng điều kiện để đàm phán thành công là sự thống nhất quan điểm về bình đẳng và tôn trọng lợi ích của tất cả các dân tộc ngay từ khi bắt đầu đàm phán.

img
Tổ hợp hạt nhân Bushehr của Iran do Nga hỗ trợ xây dựng.

Ông Ramin nhấn mạnh, việc nối lại các cuộc đàm phán cũng phụ thuộc vào hành động của Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ - cùng với Đức). Theo ông, Iran sẽ theo dõi những động thái của Nhóm P5+1 và nếu thấy đủ điều kiện cho các các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, Tehran sẽ chủ động đưa ra quyết định.

Tuyên bố trên của Iran được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 8.11 công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran, trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động hạt nhân của Tehran, đồng thời khẳng định có thông tin đáng tin cậy rằng, Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Iran đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng báo cáo này vô căn cứ và thành kiến.

Theo ông Ali Soltanieh, đại diện thường trực của Iran tại IAEA, nội dung báo cáo không có gì mới mà chỉ lặp lại những cáo buộc cũ rích mà Iran đã chứng minh là vô căn cứ. Phát biểu trên truyền hình, ông Soltanieh cho biết, do báo cáo này, Tehran có thể xem xét lại những biện pháp hợp tác với IAEA, đồng thời khẳng định Iran sẽ tiếp tục các hoạt động hạt nhân của mình.

Bằng chứng không xác thực

Hãng thông tấn Nga Ria Novosti ngày 10.11 cho biết, trong phản ứng chính thức đầu tiên đối với báo cáo trên của IAEA, Nga cho rằng về cơ bản, báo cáo không có thông tin nào mới về chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran và dựa trên những bằng chứng không xác thực.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga: "Việc thu thập các chứng cứ trong báo cáo được thực hiện theo hướng chính trị hóa vấn đề nhằm tạo ấn tượng rằng chương trình hạt nhân của Iran có yếu tố quân sự".

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9.11 cho biết, Washington sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào, kể cả khả năng đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, sau khi IAEA công bố báo cáo mà Mỹ cho rằng có những cáo buộc rất nghiêm trọng. Lập trường trên của Mỹ được Pháp và Anh ủng hộ.

Bằng chứng rõ ràng duy nhất mà các thanh sát viên IAEA đưa ra lại cho thấy: Iran đã cải thiện việc tiếp cận của các thanh sát viên LHQ và hiện Tehran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Igor Barinov cùng ngày tuyên bố, Nga cần phối hợp các nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để ngăn ngừa tình hình xung quanh chương trình hạt nhân Iran diễn biến theo kịch bản Iraq hoặc Afghanistan.

Theo ông Barinov, tình hình với Iran và bản báo cáo vừa qua của IAEA khiến người ta nhớ lại rằng, tình báo Mỹ và phương Tây đã tung tin đồn chế độ của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein phát triển vũ khí hạt nhân để phát động các hành động quân sự quy mô lớn.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với Iran, đồng thời kêu gọi Tehran mềm dẻo, thẳng thắn để tạo môi trường thúc đẩy nối lại đàm phán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem