Nga vạch tội Mỹ
Ngày 6.4, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo "kể tội" Mỹ trong hàng loạt lĩnh vực, từ vi phạm nhân quyền cho tới tự do báo chí, đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp trả nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuyên bố được đưa ra sau khi cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 24 công dân Nga và 14 thực thể của nước này với lý do những cá nhân và tổ chức này có các hành động mà Washington cho là phá hoại nền dân chủ phương Tây.
Trong thông báo trên trang chính thức, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Kể từ năm 2011, số lượng nỗ lực của Mỹ gây sức ép đối với Nga bằng các biện pháp trừng phạt đã vượt quá con số 50. Mặc dù những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt chống Nga trong thời gian qua không đạt được bất cứ kết quả nào, Washington tiếp tục hù dọa từ chối cấp thị thực vào Mỹ, đe dọa doanh nhân Nga đóng băng tài sản và tài sản tài chính, trong khi quên rằng việc lấy đi tài sản tư nhân và tiền của người khác gọi là ăn cướp".
Nga ví các biện pháp trừng phạt của Mỹ như hành động "ăn cướp"
Theo Bộ Ngoại giao Nga, những chính sách của Washington hết sức lố bịch khi nỗ lực đánh vào những công ty của Nga, vốn từ lâu có mối quan hệ kinh doanh với Mỹ, tạo ra hàng nghìn việc làm.
Nói cách khác, Mỹ đang tấn công vào dân thường, cử tri của mình, hủy hoại hợp tác kinh tế gây thiệt hại cho chính nước Mỹ.
Bộ Ngoại giao tuyên bố: "Có cảm giác rằng chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái của Mỹ: tại Mỹ ngày càng phủ nhận những thứ mà trước đây được ca ngợi như những "giá trị Mỹ" cơ bản. Ngay cả việc sử dụng vũ lực chiếm các cơ sở ngoại giao thuộc quyền sở hữu của Nga, không chỉ vi phạm thô bạo nhất các chuẩn mực luật pháp quốc tế mà còn cho thấy rằng quyền sở hữu thiêng liêng đối với người Mỹ trước đây đã trở lời nói rỗng tuếch".
Nga cho rằng với việc liên tục sử dụng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả mục đích loại bỏ đối thủ cạnh tranh, trên thực tế Washington đã ghi tên mình vào danh sách những nước chống lại kinh tế thị trường và cạnh tranh tự do trung thực.
Việc cản trở phát sóng kênh truyền hình RT của Nga là ví dụ rõ ràng về việc Mỹ mong muốn đàn áp nguồn thông tin thay thế, hạn chế tự do ngôn luận.
Cấm RT phát sóng, Mỹ tự bắn vào các giá trị tự do được rao giảng của mình?
Ngoài ra, việc hợp thức hóa những hình thức tra tấn thời trung cổ, giam giữa tù nhân thiếu căn cứ pháp lý tại căn cứ quân sự Guantanamo và nhà tù bí mật của CIA là minh chứng rõ ràng về thái độ của Mỹ đối với nhân quyền.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, nền dân chủ của Mỹ rõ ràng đang bị suy thoái. Mỹ chỉ còn mong muốn bằng mọi cách bảo đảm sự bá quyền lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả việc gây sức ép đối với những nước tiến hành đường lối độc lập với các đồng minh NATO.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không có bất cứ biện pháp gây áp lực nào có thể khiến Nga từ bỏ chính sách đã lựa chọn. Những biện pháp đó chỉ cho thấy sự bất lực của Mỹ và đoàn kết xã hội Nga.
Nga sẽ đáp trả nghiêm khắc bất cứ hành động công kích nào. Moscow khuyên Washington nhanh chóng thoát khỏi ảo tưởng rằng với Nga có thể nói chuyện bằng ngôn ngữ trừng phạt".
Ngay sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, trong đó có Công ty Xuất khẩu Quốc phòng Nga (Rosoboronexport), hãng tin Ria Novosti ngày 6.4 dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Nga sẽ vẫn cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho nước này.
Trong khi đó, Rosoboronexport tuyên bố đã từ lâu công ty hoạt động trong điều kiện những biện pháp hạn chế của Mỹ.
Theo Ria Novosti, Tổng thống Tayyip Erdogan đã đưa ra câu trả lời rõ ràng, theo đó chủ đề Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-400 đã khép lại và thỏa thuận đã được chốt, sẽ không có bất cứ thay đổi nào, bất chấp việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Rosoboronexport.
Thông tin mới nhất về thương vụ S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Nga còn nhiều "vũ khí" đáp trả Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua một số tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga trị giá 2,5 tỷ USD hồi tháng 12.2017. Theo hợp đồng ban đầu, phía Nga sẽ bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2020.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ, và theo đó Moscow sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara vào tháng 7.2019.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua S-400 khiến Mỹ và một số nước Phương Tây không hài lòng. Tuy nhiên, Ankara khẳng định việc mua các hệ thống tên lửa phòng không này là để bảo vệ an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, bình luận về mối quan hệ Nga-Mỹ hiện nay, hãng tin Reuters cho rằng Nga từ lâu đã xem Donald Trump là “quân bài tẩy” trong chiến lược cải thiện quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, Nga sau đó chỉ thấy mối quan hệ Nga-Mỹ ngày càng lạnh giá hơn, tới mức nhiều người thậm chí còn nhắc tới nguy cơ của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thực tế không có nhiều lựa chọn chiến lược để thay đổi, ngoài việc bớt kỳ vọng vào người đồng cấp Trump và khả năng gây ảnh hưởng với giới chức Washington của nhà lãnh đạo này.
Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục xấu đi trầm trọng
Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, nói: “Washington đang bị ám ảnh với cuộc chiến chống lại một mối đe dọa không có thật mà họ vẫn gọi là Nga. Những căng thẳng leo thang tới chỗ người ta hoàn toàn có lý do để lo ngại về việc tái diễn những thời khắc đen tối trong Chiến tranh Lạnh”.
Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, thậm chí còn cho rằng nguy cơ xảy ra những tính toán sai, hiểu lầm và nguy cơ căng thẳng leo thang bùng phát thành chiến tranh vũ trang hiện nay thậm chí còn cao hơn so với thời Chiến tranh Lạnh.
Theo Reuters, trong quan hệ với Mỹ, Moscow vẫn cương quyết không thay đổi lập trường, không nhượng bộ hay đề xuất các sáng kiến mới. Nga chỉ tiếp tục duy trì quan hệ chừng nào Mỹ cũng sẵn sàng làm như vậy, và chắc chắn Nga sẽ trả đũa mọi hành vi thù địch, chẳng hạn như việc Washington trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Andrey Kortunov, Giám đốc một viện nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là để ngỏ cánh cửa đối ngoại và chờ xem các diễn biến tiếp theo”.
Moscow vẫn để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Trump, một ý tưởng được chính người đứng đầu Nhà Trắng nêu lên. Nga cũng tỏ ý quan tâm tới các cuộc đàm phán song phương về ổn định hạt nhân chiến lược để tránh bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.
Tuy nhiên, bình luận của chuyên gia Fyodor Lukyanov trên tờ Báo Nga phần nào phản ánh suy nghĩ của người Nga trong thời điểm hiện tại: “Washington là bên kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới… Không có hy vọng về khả năng quan hệ song phương được cải thiện hay có bất kỳ tiến triển nào trên mọi khía cạnh trong tương lai gần”.
Minh Phong (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.