Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ

Phúc Minh Thứ năm, ngày 17/09/2020 12:28 PM (GMT+7)
Đường Lê Văn Duyệt dài gần 1km, hiện có nhiều công trình quan trọng như Bệnh viện quận Bình Thạnh, Trường THPT Võ Thị Sáu (trước đây là Trường nữ sinh trung học Lê Văn Duyệt), Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt.
Bình luận 0

Sáng 16/9, UBND quận Bình Thạnh tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn đi qua địa bàn quận thành đường Lê Văn Duyệt. Đường Lê Văn Duyệt cũng là tên gọi cũ của con đường này trước đây. 

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM tại lễ công bố tên đường Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (sinh năm 1764, mất năm 1832) đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, bảo vệ vùng đất phương nam và tỉnh Sài Gòn - Gia Định xưa. 

Ông từng 2 lần làm Tổng trấn thành Gia Định dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Tả quân Lê Văn Duyệt có công lớn để khai phá, mở rộng vùng đất Sài Gòn - Gia Định và bảo vệ vùng đất phương Nam nói chung.

Đường Lê Văn Duyệt bắt đầu từ Cầu Bông đến đoạn giao với đường Phan Đăng Lưu, nằm trọn trên hai phường 1 và 3, có chiều dài gần 1km.

Trên tuyến đường này hiện có nhiều công trình quan trọng như bệnh viện quận Bình Thạnh, Trường THPT Võ Thị Sáu (trước đây là Trường nữ sinh trung học Lê Văn Duyệt), Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt (thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu).

Ngoài ra, xung quanh Lăng Lê Văn Duyệt có nhiều tuyến đường được đặt tên gắn với các danh nhân cùng thời, có công với sự nghiệp mở mang đất nước về phương nam như Vũ Tùng, Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị... Việc đặt tên đường này giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm. 


Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 2.

Đường Lê Văn Duyệt bắt đầu từ cầu Bông, kết thúc tại đường Phan Đăng Lưu. Ảnh: Phúc Minh

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 3.

Bệnh viện quận Bình Thạnh nằm trên đường Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 4.

Trường THPT Võ Thị Sáu trước đây là Trường nữ sinh trung học Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 5.

Nhà thiếu nhi quận Bình Thạnh cũng nằm trên đoạn đường này. Ảnh: Phúc Minh

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 6.

Xung quanh đường Lê Văn Duyệt là nhiều con đường mang tên danh nhân cùng thời: Vũ Tùng, Trịnh Hoài Đức... Ảnh: Phúc Minh

Hậu duệ đời thứ 6 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - ông Lê Văn Hòa bày tỏ niềm vui mừng trước việc TP.HCM quyết định khôi phục tên đường Lê Văn Duyệt, ghi nhận công lao, đóng góp của tổ tiên với đất nước. Ông nói con cháu sẽ luôn cố gắng học tập, làm việc và cống hiến xây dựng, phát triển đất nước.

Ông Quách Văn Khang, một trong những hộ dân sống lâu năm trên đường Lê Văn Duyệt, cho hay ông và bà con nhân dân trên địa bàn rất ủng hộ việc đổi tên đường. Ông nói nhiều khi nói tên đường Đinh Tiên Hoàng, người ta toàn tưởng nằm ở quận 1 nên khó khăn trong việc tìm kiếm địa chỉ.

"Giờ chỉ cần nói tên đường Lê Văn Duyệt là dân biết ngay, hướng về Lăng Ông Bà Chiểu mà. Chúng tôi cũng không lo ngại chuyển đổi số nhà, giấy tờ quá đâu. Nếu chính quyền đã quyết định đổi tên đường thì cũng sẽ sớm hỗ trợ người dân", ông Khang nói.

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 7.

Đoạn cuối của đường Lê Văn Duyệt nằm cạnh Lăng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 8.

Ngã ba Lê Văn Duyệt và Phan Đăng Lưu rợp bóng cây xanh. Ảnh: Phúc Minh

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà khẳng định quận sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn cụ thể cho người dân thực hiện thay đổi, bổ sung hộ khẩu, giấy tờ, nhà đất sau khi đổi tên đường.

UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn việc gắn biển số nhà, chậm nhất không quá 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết được HĐND TP thông qua. Công an TP được giao hỗ trợ người dân thay đổi các loại giấy tờ liên quan. Ngoài ra, UBND quận Bình Thạnh được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân thực hiện việc thay đổi các giấy tờ liên quan.

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 9.

Cổng Lăng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt nằm trên đường Vũ Tùng. Ảnh: Phúc Minh

Ngắm đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM sau khi trở về tên cũ - Ảnh 10.

Người dân dâng hương tại Lăng mộ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt dịp giỗ lần thứ 188. Ảnh: Phúc Minh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem