Bắt đầu từ năm 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, đồng nghĩa với đó là bộ sách giáo khoa sẽ được thay đổi. Nếu như trước đây, cả nước sẽ dùng chung 1 bộ sách thì bây giờ sẽ có nhiều bộ sách khác nhau để các địa phương lựa chọn.
Nội dung sách thay đổi đã khiến cho nhiều phụ huynh thế hệ 7x-9x bồi hồi nhớ lại những cuốn sách giáo khoa cũ từng gắn với tuổi thơ. Đó là những cuốn sách với những chữ cái đầu tiên O, Co, A, Ca, Cá, Cờ...
Ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ: "Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Chính phủ đã chú ý đến cải cách giáo dục. Trong giai đoạn 1956-1975, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Huyên đã chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ 10 năm, chia 3 cấp học. Giai đoạn 1976-2020 đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ 2, hợp nhất hệ thống giáo dục 2 miền Bắc - Nam. Đổi mới lần thứ 3 giai đoạn 2022-2008 đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ 4 (từ năm 2013 đến nay) theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học".
Quyển Tập đọc lớp 1 phổ thông với những bài thơ đầy ý nghĩa, đi vào lòng người. Ảnh: Tào Nga
Một cuốn sách học vần và tập nói tiếng Việt lớp 1 cũ. Ảnh: Tào Nga
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nước ta có hai đợt thay đổi sách giáo khoa lớn nhất là vào năm 1981 và năm 2002.
Những năm 70, 80 có rất nhiều sách Tiếng Việt tiểu học như sách Học vần, sách Tập đọc, sách Văn... Sau đó, Bộ GDĐT thống nhất lấy tên là sách Tiếng Việt.
Thế hệ 8X và nửa đầu 9X chắc hẳn ghi nhớ đậm sâu hình ảnh sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, NXB Giáo dục ấn hành năm 1990. Đây được xem là bộ sách Tiếng Việt có phiên bản hoàn chỉnh nhất tính từ cuộc cải cách giáo dục năm 1979. Trước khi thay sách mới vào năm 2002, học sinh học đánh vần, tập viết tập đọc qua cuốn sách này.
Và đây là cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 hiện hành theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo ông Hải: "Năm 2019, Bộ GDĐT thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định để thẩm định các bộ SGK lớp 1. Từ năm học 2020-2021, toàn quốc đã có 5 bộ sách lớp 1.
Tiệm cận với SGK các nước phát triển, khổ SGK đã được điều chỉnh từ khổ 17x24 thành khổ lớn hơn 19x26,5cm. Không chỉ SGK tiểu học được in 4 màu mà hầu hết SGK các lớp đều được in 4 màu".
Trong 2 ngày (28, 29/9), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước.
Hoạt động trưng bày bao gồm: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1957, 1981, 2002, 2020; trưng bày và giới thiệu sách giáo khoa của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh... Ngoài ra, một số sách được giải thưởng quốc gia và sách giáo khoa điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.