Dân "phượt" được hiểu nôm na là những người thường xuyên đi du lịch "bụi", với phương tiện chủ yếu là xe máy. Niềm đam mê của họ là được rong ruổi khắp nơi để thỏa mãn khát khao tuổi trẻ, chinh phục những cung đường tận cùng đất nước.
Đôi bạn trẻ Hà thành trong một chuyến phượt bằng xe máy từ Hà Nội lên vùng núi Tây Bắc
Khác với những tour thông thường, phượt là một loại hình du lịch mang đặc thù rất riêng. Điểm đến của dân phượt không chỉ là những địa danh nổi tiếng. Họ thường tìm đến những điểm địa đầu Tổ quốc, bất luận phải vượt qua hàng trăm km đường đèo hiểm trở hay đi bộ xuyên rừng cả ngày trời.
Vùng núi cao Tây Bắc với những bản làng nằm sâu trong núi của Hà Giang, Lào Cai là những điểm đến được các phượt thủ ưa chuộng nhất. Không xe đưa xe đón tận nơi, không có nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng nên việc tắm suối, ngủ lều được coi như "chuyện cơm bữa" đối với những phượt thủ chuyên nghiệp.
Những chuyến đi phượt luôn mang hơi hướng phong trần, bụi bặm như vậy nên kiểu ăn mặc chỉn chu, trau chuốt không phải là lựa chọn lý tưởng. Ngày thường, họ có thể là những cô nàng điệu đà với các loại váy áo diêm dúa, nơ cài tóc cầu kỳ, nhưng trong những chuyến băng rừng vượt núi thì tiêu chí an toàn, gọn nhẹ và tiện lợi luôn được đặt lên hàng đầu.
Dù là các cô nàng điệu đà hay cá tính cũng đều chọn cho mình những trang phục khỏe khoắn, gọn gàng
Khăn rằn Nam Bộ, quần jeans, giày thể thao và áo phông cờ đỏ sao vàng dường như đã trở thành "đồng phục" chung cho cả nam và nữ và cho tất cả các đoàn phượt
Cách kết hợp thường gặp nhất ở các "phượt thủ" là giày thể thao hay giày bata dã chiến, quần jeans hoặc quần rằn ri hầm hố với áo phông đơn giản. Phụ kiện không thể thiếu của họ là những chiếc áo cờ đỏ sao vàng, chiếc khăn rằn Nam Bộ cá tính hay những chiếc ba lô bạc phếch vì nắng gió, và cả những chiếc mũ bảo hiểm dán phản quang để người trong đoàn dễ dàng nhận ra nhau trong những chặng hành trình xuyên đêm.
Ngoài ra, nhiều phượt thủ cẩn thận thường chuẩn bị thêm cả bộ bọc bảo hiểm gối, giáp bảo vệ tay chân để vừa đảm bảo an toàn trong suốt chặng đường dài chạy xe máy, vừa tạo cho họ một phong cách "chất" hơn, phóng khoáng và bụi bặm hơn. Còn khi đến các đoạn đường buộc phải cuốc bộ trong rừng lầy lội hay leo núi như khi chinh phục đỉnh Fansipan thì áo mưa, ủng, gậy chống, ba lô bọc nilon là những món đồ phổ biến và thiết thực nhất để họ chinh chiến trong địa hình hiểm trở với cái lạnh thấu xương.
Một số hình ảnh các phượt thủ "bụi bặm", phong trần trong những chuyến phượt:
Hình ảnh cặp đôi phượt thủ đầy cá tính trong clip "Đi về phía chân trời" từng gây sốt cộng đồng mạng
Những lá cờ Tổ quốc với đủ kích cỡ to nhỏ là một trong những phụ kiện không thể thiếu của các đoàn phượt
Áo phông cờ đỏ sao vàng ngợp trời tại các điểm đến quen của dân phượt: những thửa ruộng bậc thang, những cánh đồng hoa tam giác mạch hay cải trắng bạt ngàn
Khăn rằn Nam Bộ biến tấu với đủ loại sắc màu cũng là vật dụng được các phượt thủ ưa chuộng với rất nhiều công dụng: đội đầu, lau mồ hôi, rửa mặt, che nắng...
Dân phượt trung thành với phong cách phong trần, bụi bặm cùng quần jeans, giày thể thao dã chiến
Và cũng không kém phần lãng tử khi kỳ công mang bằng được những cây đàn ghi-ta theo suốt chặng hành trình
Một cô gái Hà thành đi phượt bằng xe máy từ Hà Nội lên Sapa ngắm tuyết
Ở độ cao lưng chừng núi, việc tắm suối, ngủ lều được coi như chuyện "cơm bữa" và trời không mưa vẫn mặc áo mưa cũng là chuyện bình thường để họ chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt
Dân phượt không quá câu nệ các nguyên tắc thời trang cầu kỳ. Sau những giờ ôm cua, đổ đèo, leo núi mệt nhọc, nhóm bạn này chỉ cần giản dị với dép lê, khăn thổ cẩm truyền thống của địa phương tự tin dạo bộ quanh khu nghỉ.
Tuy bụi bặm, phóng khoáng trong những chặng đường dài, dân phượt cũng không thiếu những cô gái điệu đà với đủ các phong cách thời trang đa dạng
Sảng khoải trong trang phục đi biển với áo ba lỗ, quần alibaba, váy hai dây...
"Đồ nghề" chuẩn bị cho chuyến du lịch bụi của một phượt thủ nữ thích "pose" hình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.