Ngăn chặn “sến” hóa, biến lời cổ, giai điệu giá cung văn thành… rên rỉ”

Thanh Hà Thứ tư, ngày 15/10/2014 07:22 AM (GMT+7)
GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Liên hoan năm nay cần đẩy cao tính nghệ thuật của loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian này và tránh “sến” hóa, ủy mị biến những lời cổ, những giai điệu giá cung văn trở thành… rên rỉ”.
Bình luận 0

Không xếp hạng trao giải

Kế thừa thành công của Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu lần thứ I- 2013, Sở VHTTDL Hà Nội tiếp tục tổ chức Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu lần II từ ngày 15.10 - 29.11.2014, tại Cung văn hóa Hữu Nghị Việt Xô.

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, năm nay thể lệ liên hoan có nhiều thay đổi và được hoàn thiện hơn so với liên hoan trước. Có gần 250 nhóm chầu văn đăng ký tham gia, tăng mạnh so với liên hoan trước. Để Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu Hà Nội có nhiều màu sắc cũng như sự phong phú đa dạng hơn, năm nay Ban tổ chức (BTC) đã mở rộng quy mô để các nhóm chầu văn ở các tỉnh thành khác cũng được tham dự.

Ngoài ra, để tránh so đo thiệt hơn cũng như sự không “tâm phục khẩu phục” của các nhóm chầu văn, năm nay BTC cũng không xếp hạng theo thứ tự nhất, nhì, ba như năm ngoái mà tất cả các nhóm chầu văn sẽ được trao bằng chứng nhận đã tham gia Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu Hà Nội 2014.

Theo GS-TS Lưu Minh Trị, hoạt động tín ngưỡng dân gian không có bất cứ tiêu chí cụ thể nào có thể đưa ra để xếp hạng. Việc xếp hạng theo tiêu chí chỉ để dành cho những người muốn danh hiệu kiểu NSƯT, NSND… Còn với loại hình nghệ thuật hoạt động dân gian sẽ không thể nói nhóm này hơn nhóm kia, người này diễn hay hơn người kia.

“Mỗi người là mỗi sự cảm nhận, sự thấu hiểu, sự thể hiện phong cách khác nhau, mỗi giá hầu của từng vùng là nét riêng, nét đặc sắc khác nhau, nên tôi nghĩ không thể có tiêu chí và đưa ra xếp hạng theo kiểu huy chương vàng, bạc, đồng được” - GS-TS Lưu Minh Trị nói.

Dự kiến mỗi địa điểm tổ chức có từ 20-25 nhóm thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tham gia diễn xướng. BTC sẽ lựa chọn những phần diễn xướng xuất sắc nhất tham gia liên hoan cấp thành phố. Tại mỗi địa điểm, BTC đều thực hiện lễ khai mạc và bế mạc, tôn vinh các nhóm thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của liên hoan.

Tác phẩm tham gia liên hoan là những giá đồng trong nghi lễ chầu văn truyền thống (36 giá đồng), ca ngợi các vị thần và các anh hùng có công với dân tộc đã được hiển thánh trong nhân dân. Mỗi nhóm trình diễn tối đa bốn giá đồng, thời gian trình diễn tối đa là 60 phút. BTC cũng yêu cầu các nhóm khi trình diễn không sử dụng tiền có mệnh giá lớn để phát lộc, không phán truyền hoặc thực hiện những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa trong quá trình diễn xướng.

Nguy cơ bị “sân khấu hóa”

NSƯT Phạm Văn Ty - Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng, mấy năm trở lại đây, tại mỗi giá cung văn, rất ít khi nghe được điệu cổ, chỉ thấy những điệu mới, những lời, ca từ lạ hoặc thậm chí không có bản sắc dân tộc trong đó. Ví dụ như lời ca Hoa chămpa, Hò mái nhì hay Cây trúc xinh, Lý qua cầu...

“Một điều khiến tôi lo ngại là bây giờ các bạn trẻ lười tìm hiểu, lười học hỏi đào sâu những lời cổ mà hay làm theo cách “ăn xổi ở thì”. Tức là cứ tiện nghe ở băng đĩa, truyền hình rồi cứ thế hát theo, thậm chí có những câu nghe không rõ lại hát trại đi một nghĩa khác. Hà Nội còn 3 nghệ nhân hát tốt và thuộc rất nhiều điệu cổ, vậy tôi đề nghị nên mời các nghệ nhân tham gia vào liên hoan. Một mặt, BTC cũng cần quy định các cung văn phải hát những điệu cổ, không được hát những làn điệu mới, tránh “sến” hóa âm nhạc chầu văn” - ông Ty đề xuất.

GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: “4 năm trở lại đây, mỗi giá cung văn đều đã bị sân khấu hóa, bên cạnh đó là nhạc giải trí xập xình suốt ngày, nên công chúng bị đầu độc. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm”. Theo ông Thanh, tại Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu lần 2 này, tất cả các nhóm chầu văn không được hát theo lối “sến hóa”, ủy mị, biến những lời cổ, những giai điệu giá cung văn trở thành rên rỉ.

“Tôi nghĩ, liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu lần này chúng ta cần đẩy cao tính nghệ thuật, nâng cao văn hóa trong những giá cung văn. Tránh tình trạng như mấy ca khúc nhạc cách mạng tôi vừa được nghe cách đây vài hôm, nhân Hà Nội kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô. Trên khắp các loa phường, thậm chí ở các sân khấu nhỏ được diễn ra ở nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, tôi nghe những ca khúc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bằng những giọng ca pha trộn lối hát vũ trường, hát rất sến, không đúng với bản chất của ca khúc. Tôi rất lấy làm buồn và tiếc cho các ca sĩ ấy, kể cả những ca sĩ đã có tên tuổi, thành danh” - GS Tô Ngọc Thanh cho hay.

Liên hoan bắt đầu từ ngày 15.10-17.11 tại các địa điểm gồm đền Lừ (quận Hoàng Mai), đền Lưu Phái (huyện Thanh Trì), đền Quan Tam Phủ (thị xã Sơn Tây), đền Rừng (quận Long Biên). Đợt II của Liên hoan (cấp thành phố) diễn ra trong 2 ngày 28-29.11 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. BTC sẽ tổ chức tọa đàm “Thực trạng văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu tại Hà Nội” bàn thảo về công tác quản lý của các thanh đồng tại cung, đền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem