Ngân hàng "lộ" lợi nhuận khủng, "bắt mạch" lợi nhuận 2023

Huyền Anh Thứ tư, ngày 11/01/2023 08:57 AM (GMT+7)
Một số ngân hàng mới đây đã bắt đầu "hé lộ" kết quả kinh doanh cả năm 2022. Điều đáng nói, thống kê tại một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ, tỷ lệ tăng trưởng của lợi nhuận năm 2022 lên tới 70% so với năm 2021.
Bình luận 0

Ngân hàng lãi "khủng"

Trong số các ngân hàng đã công bố sơ bộ về lợi nhuận, BIDV đang dẫn đầu với mức tăng trên 70%, đạt 23.190 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (hợp nhất), lợi nhuận riêng lẻ 22.560 tỷ đồng.

So với các ngân hàng còn lại trong khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2022.

Đến hết 31/12/2022, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này. Với tổng tài sản kỷ lục nói trên, BIDV tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Đáng chú ý, sau giai đoạn tập trung tái cơ cấu, nợ xấu của BIDV đã giảm đáng kể trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN của BIDV kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Hiện quỹ dự phòng rủi ro của BIDV đã lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng.

Ngân hàng "lộ" lợi nhuận khủng, "bắt mạch" lợi nhuận 2023 - Ảnh 1.

BIDV đang dẫn đầu với mức tăng trên 70%, đạt 23.190 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (hợp nhất), lợi nhuận riêng lẻ 22.560 tỷ đồng.

Là nhà băng đầu tiên giảm lãi suất cho vay ngay từ những tháng đầu năm 2023 cho khách hàng, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (1,15 triệu tỷ đồng) trong năm 2022.

Không chỉ tăng trưởng mạnh tín dụng, hoạt động kinh doanh ngoài lãi của Vietcombank cũng tăng trưởng mạnh, là nguyên nhân giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận bền vững.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022.

Có mức tăng khiêm tốn hơn về lợi nhuận (21,5%), song VietinBank cũng báo lãi trước thuế đạt tới 20.500 tỷ đồng – kỷ lục từ trước đến nay.

Nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức khoảng 1,2%, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021).

Ngân hàng "lộ" lợi nhuận khủng, "bắt mạch" lợi nhuận 2023 - Ảnh 2.

Sau 10 năm, chỉ số lợi nhuận mà TPBank gặt hái được có đóng góp rất lớn từ các giải pháp số cho sản phẩm và dịch vụ số đặc trưng, khác biệt.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, TPBank là nhà băng đầu tiên công bố lợi nhuận năm 2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021.

Tổng tài sản của TPBank ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Trong khảo sát mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, có tới 87% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

"Bắt mạch" lợi nhuận ngân hàng 2023

Dự báo về bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023, các chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023.

Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng dự báo sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024 (so với mức 32% năm 2022).

Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong năm 2023, theo các chuyên gia là do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Các chuyên gia nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ còn gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, và áp lực lạm phát.

Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm tới.

Lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2022 do NHNN hút tiền đồng từ hệ thống để cân đối tỷ giá; doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn; và sự kiện xoay quanh SCB. Tuy đã hạ nhiệt, dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục ở quanh vùng 5-6% cho kỳ hạn qua đêm.

Liên quan đến lãi suất huy động, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành 2 điểm phần trăm trong 2 quý cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn. Sang 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp.

Ngân hàng "lộ" lợi nhuận khủng, "bắt mạch" lợi nhuận 2023 - Ảnh 4.

Lợi nhuận ngân hàng dự báo tăng chậm lại trong năm 2023.

Báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.

Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem