Ngân hàng ngoại: Người đi kẻ đến!

Chủ nhật, ngày 23/07/2017 08:00 AM (GMT+7)
Commonwealth Bank of Australia (CBA) bị VIB mua lại. Khối bán lẻ của ANZ về tay Shinhan Bank của Hàn Quốc. Hai thương vụ liên tiếp khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng các ngân hàng ngoại đang nối đuôi nhau rời Việt Nam?
Bình luận 0

Dồn sức

CBA có hai hoạt động, một là phần riêng của CBA, một là khoản đầu tư 20% vào ngân hàng VIB. Bán phần riêng của mình để dành sức vào phần đầu tư vào VIB, lãnh đạo CBA giải thích như vậy.Nghĩa là họ vẫn ở lại Việt Nam. Như mọi thương vụ mua bán, có thể nhìn theo hai góc: CBA bán mình hoặc VIB, một ngân hàng nội, mua lại một ngân hàng ngoại. Vậy VIB được gì từ chuyện mua CBA? 22.000 khách hàng có chất lượng là một lẽ, đội ngũ nhân viên chuẩn mực mới là điều quan trọng. Một số ngân hàng nước ngoài có các lợi thế về các hoạt động chuyển tiền quốc tế, vì thế các ngân hàng nội khá thèm thuồng. Một ngân hàng ngoại như CBA vẫn có các hạn chế về hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, một ngân hàng nội như VIB lại có nhiều hạn chế về hoạt động quốc tế. Vậy là, nhất cử lưỡng tiện, bán đi cái hạn chế, tập trung vào ưu thế, là sự thay đổi về chiến lược kinh doanh của cả hai bên.

img

VIB mua lại CBA để bổ sung thế mạnh về giao dịch quốc tế đang còn thiếu. Ảnh: TLPT

Thử nhìn vào ANZ, một ngân hàng cũng đến từ châu Đại Dương. Hoạt động tại Việt Nam khá lâu, chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2009, ANZ cũng ăn nên làm ra. Lợi nhuận sau thuế của ANZ năm 2016 là 452 tỉ đồng, tăng 51% so với 2015. ANZ hoạt động các dịch vụ: bán lẻ, quản lý tài sản, dịch vụ tài chính tiêu dùng, dịch vụ tài chính thương mại và dịch vụ bán buôn. Hiện ngân hàng này có khoảng 125.000 khách hàng ở Việt Nam, và là nhà tài trợ tín dụng cho một số thương vụ lớn mua máy bay của các hãng hàng không trong nước. ANZ đã bán mảng bán lẻ cho Shinhan Bank. Lãnh đạo ANZ giải thích rằng, muốn tập trung nhiều hơn vào các hoạt động tại châu Á.

Chuyện lẽ thường!

Giới chuyên gia tài chính có nhiều góc nhìn. Có ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam quá khốc liệt, đặc biệt là nợ xấu chất chồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của nhiều ngân hàng ngoại, khiến họ phải ra đi. Nhưng cũng không ít người đánh giá đấy cũng là một chuyện thường tình. “Khi tình hình không như ý, họ thay đổi chiến lược, rút mảng này, tập trung cho mảng khác”, một chuyên gia nói. Chẳng hạn, CBA đầu tư vào VIB với cổ phần lên tới 20%. VIB là một ngân hàng có mức phát triển khá mạnh trong thời gian qua. Sự kết hợp giữa hai ngân hàng này mang lại cho khách hàng nhiều lựa chọn và dịch vụ hơn. CBA có khoảng 20.000 khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân. Văn phòng đại diện của ngân hàng này vẫn đóng tại Hà Nội từ năm 1994 đến nay.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên thị trường Việt Nam có tám ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Đáng chú ý trong số đó là ba ngân hàng đến từ Malaysia, hai ngân hàng từ Hàn Quốc... Nổi bật trong số đó là HSBCvới số lợi nhuận thu được năm 2016 là 1.440 tỉ đồng, tăng 54% so với 2015. Năm ngoái, HSBC thoái toàn bộ 19,41% vốn ra khỏi Techcombank. Động thái này có thể nhìn hai mặt: HSBC thoái, còn Techcombank tiến.

Chưa có ngân hàng Nhật Bản 100% vốn ở Việt Nam, nhưng nhiều tổ chức tài chính đã đầu tư vào các ngân hàng trong nước như Vietcombank, Vietinbank, Eximbank...

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng ở Việt Nam đang rất cần “tiền tươi thóc thật”, vì vậy sắp tới rất có thể sẽ có thêm nhiều vốn từ ngân hàng ngoại đổ đến.      

Trong bốn năm qua, chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi ngồi đếm các vụ án liên quan đến ngân hàng. Ông cho biết: hơn 400 người bị khởi tố. Agribank, từ năm 2003 đến nay đã bị khởi tố hơn 60 vụ, 122 người bị xử lý hình sự. Huyền Như của Vietinbank chỉ là một nhân viên cấp thấp đã “bốc” hơn 4.000 tỉ đồng. Trong 18 tháng, chủ tịch Phạm Công Danh rút khỏi VNBC 18.000 tỉ đồng. Ông Nhi tự vấn: cũng là những con người ấy, cũng môi trường kinh doanh ấy, nhưng tại sao các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lại không phạm tội?

Phi Tiêu (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem