Cảnh báo loạt thủ đoạn “móc tiền” của đối tượng lừa đảo
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo hàng loạt thủ đoạn “móc tiền” của đối tượng lừa đảo
H.Anh
Thứ ba, ngày 13/07/2021 15:38 PM (GMT+7)
Thủ đoạn chuyển nhầm tiền, rồi đòi lại cùng tiền lãi hay như giả mạo công ty tài chính cho vay tiền rồi đưa khách hàng vào bẫy, chiếm đoạt tài sản ... là những chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện thời gian gần đây. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành văn bản cảnh báo về hiện tượng này.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, an toàn hệ thống trong hoạt động thanh toán.
Hàng loạt thủ đoạn "móc tiền" của đối tượng lừa đảo
Một là, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng.
Theo đó, sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa (ATM), kẻ gian yêu cầu khách đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ; thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn và yêu cầu khách hàng đọc 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để giao dịch thanh toán trực tuyến).
Nếu khách hàng làm theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo có thể gây rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.
Một thủ đoạn khác là, đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng sau đó mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập và đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... nhằm lừa đảo khách hàng cung cập thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.
Ngoài ra đối tượng lừa đảo còn lập trang web mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu nhập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.
Một chiêu thức lừa đảo khác mới xuất hiện trong thời gian gần đây cũng được Ngân hàng Nhà nước cảnh báo đó là, khách hàng "bất ngờ" nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay.
Sau đó, đối tượng lừa đảo gọi điện cho khách hàng thông báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển tiền); sau một thời gian, chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.
"Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách và hướng dẫn thủ tục hoàn trả.
Cụ thể, gửi kèm đường link yêu cầu khách điền thông tin cá nhân, gồm thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm đoạt tiền của khách hàng" - Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.
Hay như chiêu thức, mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cái đặt ứng dụng trên điện thoại di động để giải ngân một khoản tiền "ảo" kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển tiền đặt cọc để chiếm đoạt.
Ngoài ra, thủ đoạn gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng thông báo tài khoản khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu qua link giả mạo, mục đích nhằm đánh cắp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt tiền cũng được Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.
Tránh rơi vào "bẫy" lừa đảo
Trước thực tế kể trên, để bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động nắm bắt, cập nhật phương thức, thủ đoạn tội phạm để kịp thời cảnh báo rủi ro cho khách hàng; cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và bảo đảm an toàn tiền, tài sản của khách hàng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần tích cực nghiên cứu biện pháp phòng, chống các phương thức, thủ đoạn tội phạm có thể xảy ra để định hướng, hỗ trợ ngân hàng thành viên triển khai…
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin thời gian gần đây hiện tượng lừa đảo tài chính diễn biến phức tạp và tinh vi.
Trong đó, thủ đoạn giả mạo công ty tài chính, ngân hàng gọi điện cho vay tiền rồi đưa khách hàng vào bẫy, chiếm đoạt tài sản hay như việc bỗng dưng trở thành "con nợ" của đối tượng lừa đảo với lãi suất cắt cổ sau khi tài khoản ngân hàng nhận được một khoản tiền chuyển nhầm với nội dung cho vay…là những phương thức lừa đảo mới xuất hiện thời gian gần đây.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính
Dù các thủ đoạn lừa đảo bằng cách mạo danh ngân hàng lừa tiền khách hàng đã diễn ra từ lâu, nhưng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, tình trạng này đang tái diễn và trở nên phổ biến. Ngoài các hình thức kiểu truyền thống như qua tin nhắn, gọi điện hiện nay các tay lừa đảo còn tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng để tìm cách lừa đảo. Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo.
Điều đáng nói, dù được cảnh báo rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng dẫn dắt, dụ dỗ, dẫn đến mất nhiều tài sản.
Đơn cử mới đây, phía ngân hàng VPBank phát hiện ra app VAYTOT tự mạo danh là app vay tiền của VPBank yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền.
Thông báo của VPBank khẳng định, các khoản vay tại VPBank không yêu cầu khách hàng phải thanh toán hay nộp bất kỳ khoản phí kèm theo.
Công ty tài chính Bưu điện PTF - một thành viên của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng đưa ra cảnh báo về việc, một số đối tượng đã mạo danh PTF mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng Auto Cash để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản tiền cọc và chiếm đoạt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.