Ngân hàng nội trước áp lực “đổ bộ” của ngân hàng ngoại

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 19/08/2016 14:26 PM (GMT+7)
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng ý về nguyên tắc cho Woori Bank (Hàn Quốc) thành lập 100% vốn tại thị trường Việt Nam. Theo đó, nếu Woori Bank được thành lập, Việt Nam sẽ có 7 ngân hàng 100% vốn ngoại với số vốn lên đến hàng trăm triệu USD.
Bình luận 0

Thị phần thì không thể nở ra, trong khi các ngân hàng nước ngoài đang có xu thế “đổ bộ” liên tục vào Việt Nam. Áp lực phải cải tiến để có sực cạnh tranh vì thế sẽ càng đè nặng lên hệ thống nhà băng nội nếu không muốn đánh mất thị phần…

img

HSBC – Ngân hàng 100% vốn nước ngoài có tiềm lực mạnh trong khối ngoại.

Áp lực từ khối ngoại

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 50 chi nhánh của 6 ngân hàng 100% vốn ngoại, trong đó có các ngân hàng đang dần đi vào đời sống và tiêu dùng của người Việt như: HSBC, ANZ, Shinhan Vietnam… Ngoài ra, còn có khoảng 50 văn phòng đại diện và các ngân hàng liên doanh đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu Woori Bank được thành lập thì tại Việt Nam sẽ có tới 7 nhà băng có 100% vốn ngoại.

Đáng lưu ý, các ngân hàng nước ngoài này đều được NHNN cũng như Chính phủ “trải thảm” trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Cụ thể là các chính sách kêu gọi đầu tư vốn của các ngân hàng nước ngoài ở mảng xử lý nợ xấu; nâng cao các sản phẩm dịch vụ truyền thống của ngân hàng; tăng cường các nguồn thu về dịch vụ…

Chính bởi được “trải thảm” đầu tư, các ngân hàng ngoại cũng dần thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Trước đây, ngân hàng ngoại chỉ tập trung vào các doanh nghiệp FDI, khách hàng để cấp vốn và tương đối “khắt khe” với các doanh nghiệp Việt Nam nay họ đang tiếp cận rất sát các doanh nghiệp nội. Chưa kể, nếu trước đây, với các ngân hàng ngoại thì có đến 80% thu nhập đến từ dịch vụ, 10-15% từ tín dụng thì hiện nay khối ngoại đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí như trước.

Về vấn đề này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc tăng cường hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam dù rằng sẽ tạo sẽ đem lại áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng nhưng đồng thời cũng giúp cho Việt Nam có một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển ngành ngân hàng.  

“Hiện nay, cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng trong nước đa số chú trọng đến tăng trưởng tỷ lệ tín dụng và đi liền với đó là nợ xấu, việc tạo ra nguồn  thu cho ngân hàng cũng không được bảo đảm. Do vậy, việc đổ bộ của ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch hóa thị trường”, ông Tín nói.

Tự tin hay tự ti?

Áp lực khá lớn đến từ khối ngân hàng ngoại nhưng theo đại diện các ngân hàng nội thì sự tự tin giữ được thị phần là rất lớn. Đại diện một NHTM tại TP.HCM đánh giá, hiện nay mục đích chính của đa số các ngân hàng ngoại khi đến Việt Nam không phải để cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng nội mà thực tế là họ theo chân khách hàng truyền thống của họ, đầu tư vào các DN FDI... Đồng thời thị phần của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam hiện nay còn rất nhỏ, ít tham gia vào các hoạt động tín dụng hay huy động vốn mà chủ yếu nguồn thu đến từ dịch vụ ngoại hối và phí.

“Thực tế hiện nay dịch vụ của các ngân hàng trong nước đa dạng, cùng với ưu thế là hiểu rõ khách hàng nên khả năng cạnh tranh trên thị trường của các ngân hàng nội trong tăng trưởng tín dụng là rất lớn. Đặc biệt, hiện các ngân hàng nội đang nâng chất lượng quản trị thông qua hoạt động tái cấu trúc, thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel II sẽ nâng chất lượng quản trị lên ngang với các ngân hàng quốc tế nên sẽ không khó khăn trong việc giữ vững thị trường”, đại diện ngân hàng này nói.

Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín thì cho rằng có 5 vấn đề lớn cần phải giải quyết sớm để nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng nội. Trước hết phải nâng cao dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng.  

Thứ 2, đẩy mạnh ngân cao chuẩn mực Basel trong hệ thống các ngân hàng. Thực tế hiện nay chúng ta đang thí điểm theo chuẩn mực Basel 2, trong khi các ngân hàng trên thế giới đã thực hiện chuẩn mực Basel 3. Thứ 3, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu ngân hàng trên cơ sở sát nhập những ngân hàng nhỏ, yếu lại. Hiện nay có khoảng 50% ngân hàng có nguồn vốn huy động dưới 5.000 tỷ đồng, cần phải cơ cấu theo hướng M&A để các ngân hàng có “nội lực” cạnh tranh mạnh hơn. Thứ 4, phải minh bạch mọi thông tin để tạo niềm tin với khách hàng.

Cuối cùng là tìm cách giảm tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng xuống. Có như thế thì chi phí mới giảm và các ngân hàng mới có cơ sở giảm lãi suất cho vay, thu hút khách hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem