Ngân hàng rao bán bến xe gần 130 tỷ đồng tại Đà Nẵng

Diệu Bình Chủ nhật, ngày 02/10/2022 15:10 PM (GMT+7)
Bến xe khách liên tỉnh Đức Long Đà Nẵng vốn đầu tư xây dựng gần 130 tỷ đồng bỏ hoang 10 năm, ngân hàng rao bán để thu hồi nợ.
Bình luận 0

Ngày 2/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố mức bán tài sản nợ vay đối với Bến xe khách liên tỉnh Đức Long Đà Nẵng của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Cụ thể, VietinBank đang rao bán gồm quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh với diện tích 3.180m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với dự án Bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP.Đà Nẵng của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Ngân hàng rao bán bến xe gần 130 tỷ đồng tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bến xe khách liên tỉnh Đức Long nằm tại tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: D.B

Giá bán tối thiểu được VietinBank đưa ra hơn 48 tỷ đồng và toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nợ vay của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại Vietinbank.

VietinBank sẽ phối hợp với bên có tài sản để thực hiện chuyển nhượng tài sản cho người mua có phương án chuyển nhượng khả thi và trả giá cao nhất.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, Bến xe phía Nam Đà Nẵng do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng đầu tư gần 130 tỷ đồng, đưa vào sử dụng nhưng đến nay gần như bỏ hoang, trang thiết bị hư hỏng.

Bến xe nằm trên trục QL1A thuộc thôn Quá Giáng (Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng) có diện tích hơn 30.000 m2 (giai đoạn 1) xây dựng khang trang, đầy đủ các hạng mục: nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé… theo chuẩn bến xe loại 1.

Tháng 9/2012, Bến xe phía Nam khánh thành, năng lực khai thác lên đến 800 - 1.000 lượt xe xuất bến/ngày.

Ngân hàng rao bán bến xe gần 130 tỷ đồng tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Sau nhiều năm không hoạt động, một số hạng mục của bến xe bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: D.B

Theo tìm hiểu của PV, hiện trạng bến xe vắng lặng là do chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động, các nhà xe, doanh nghiệp vận tải hành khách rút khỏi bến, lần lượt chuyển về đăng ký tuyến tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Nguyên nhân là Bến xe phía Nam quá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, việc phân luồng, tuyến cũng có những bất hợp lý. Cụ thể, thay vì được phân đúng luồng tuyến đã quy hoạch cho Bến xe phía Nam, tháng 11/2012, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo không đồng ý điều chuyển một số hoạt động vận tải khách từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng về Bến xe phía Nam.

Tháng 5/2013, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Thường trực HĐND TP đề nghị UBND Đà Nẵng thực hiện đúng theo quy hoạch, trong đó phân định luồng tuyến Bến xe phía Nam cho các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên.

Đến tháng 6/2013, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản chỉ đồng ý cho các phương tiện xe tải, xe container và các đơn vị vận tải tuyến cố định có nhu cầu đăng ký mới, vào khai thác Bến xe phía Nam. Đồng thời, giao chủ đầu tư tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký vào hoạt động tại bến.

Sau nhiều năm không hoạt động, một số hạng mục của bến xe bị hư hỏng, xuống cấp, VietinBank rao bán để thu hồi nợ vay của Công ty CP Đức Long Đà Nẵng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem