Diệu Bình
Thứ tư, ngày 28/09/2022 15:08 PM (GMT+7)
Rạng sáng 28/9, bão Noru tiến vào đất liền Trung Trung Bộ. Thành phố Đà Nẵng ngổn ngang sau nhiều giờ bão quần thảo. Người dân bắt tay dọn dẹp nhà cửa, phát quang cây cối gãy đổ. Người ta xây mới những thứ bị hư hỏng, trồng mới những cây xanh sau bão…
Trước dự báo "siêu bão" mạnh nhất trong 20 năm vừa qua sẽ trực tiếp đổ bộ vào thành phố đêm 27/9, "Noru" trở thành nỗi lo sợ với chính quyền và người dân Đà Nẵng trong những ngày vừa qua.
Cấm họp chợ từ 12 giờ, yêu cầu người dân không ra đường, đóng cầu, cưỡng chế các thuyền bè đến nơi an toàn… mọi biện pháp đều được chính quyền thành phố triển khai quyết liệt nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão vào.
Sáng 27/9, Đà Nẵng mưa trắng trời, ông Lê Từ Hòa – Phó Chủ tịch phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lui tới kiểm đếm số người dân vừa được lực lượng chức năng sơ tán đến điểm trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thọ Quang) trú bão.
Xác định bão số 4 (bão Noru) là cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng, UBND phường Thọ Quang tổng lực sơ tán người dân đến nơi trú an toàn. 8 điểm tập kết là các trường học và cơ sở trên địa bàn phường được sử dụng để người dân trú bão. Mỳ tôm, cháo, nước uống… cùng những vật dụng cần thiết tại các điểm sơ tán cũng được chuẩn bị chu đáo.
"Tính mạng của người dân phải được đảm bảo trên hết", Phó Chủ tịch phường Thọ Quang nói.
Theo Phó Chủ tịch phường Thọ Quang Lê Từ Hòa, 2 ngày trước khi bão đổ bộ, ông cùng các lực lượng đã đến từng nhà dân để tuyên truyền, hỗ trợ chằng chống nhà cửa. Đối với những hộ gia đình sống tại khu vực trũng thấp, nhà cửa không kiên cố… sẽ được vận động trú bão tại nhà người thân hoặc đưa đến điểm tập kết phường đã bố trí sẵn. Trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế để đảm bảo an toàn.
"Cám ơn các cô, các chú rất nhiều. Bão vào tôi rất lo lắng, ở nhà sợ sập, lên đây yên tâm hơn nhiều", bà Liễu (52 tuổi) vừa nói vừa chỉ vào chân phải bị đau. Bà vừa được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến điểm tập kết trong chiều 27/9, cách vài tiếng trước khi bão vào đất liền.
Sau bà, nhiều người cũng lần lượt xách bánh đồ đạc vào phòng tìm chỗ nghỉ lưng. Họ yên tâm phần nào vì tối nay không phải lo nguy hiểm.
Các chuyến bay bị hủy do ảnh hưởng của bão khiến nhiều du khách bị mắc kẹt lại thành phố. Nhằm chia sẻ với du khách, một số khách sạn tại Đà Nẵng đã áp dụng chính sách miễn phí toàn bộ chi phí lưu trú cho khách trong bão.
Anh Nguyễn Sơn Tùng, chủ khách Santori Hotel & Spa Da Nang (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cho biết, khách sạn của anh sẽ miễn phí tiền phòng, ăn uống trong 2 ngày 27 và 28/9 cho khách bị mắc kẹt lại Đà Nẵng
"Mình có cái gì hỗ trợ cái đó. Khách sạn luôn sẵn sàng mở cửa để đón người dân đến ở miễn phí trong ngày bão", anh Tùng chia sẻ.
Không may mắn khi đi du lịch Đà Nẵng trúng dịp bão đổ bộ, nghe tin được khách sạn hỗ trợ miễn phí tiền phòng trong ngày bão, chị Nguyễn Minh Thùy (trú Tây Ninh) cảm thấy rất ấm lòng. Chị thấy mình may mắn khi nhận được tình cảm chân tình từ con người Đà Nẵng trong những ngày mưa bão.
"Đây là kỷ niệm của tôi với thành phố sông Hàn. Đà Nẵng để lại trong tôi một ấn tượng rất đẹp", chị Thùy cho hay.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, để giúp người dân trong thời gian diễn ra bão số 4, quận Sơn Trà đã có văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú sẵn sàng đón người dân vào lưu trú khi có nhu cầu.
Điều hạnh phúc!
Trưa 28/9, tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 (bão Noru), ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, địa phương không ghi nhận thiệt hại về người, đó là điều hạnh phúc.
"Đà Nẵng đang khẩn trương tập trung mọi lực lượng để khắc phục những thiệt hại giúp thành phố trở lại hoạt động bình thường. Phấn đấu trong chiều hôm nay, đảm bảo cấp điện lại trên toàn thành phố. Trong ngày mai (29/9), học sinh sẽ trở lại trường bình thường", ông Chinh thông tin.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, thành phố đã rút ra được nhiều bài học trong công tác phòng chống bão số 4 vừa qua.
Bài học về sự quyết liệt trong việc di dời dân; về việc triển khai nghiêm túc, kịp thời những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo tiền phương, bài học tuyên truyền trong nhân dân… được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nhắc đến.
"Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện những phương án để chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai", Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.