Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng trong nước đã chủ động tung ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp các khách hàng bị ảnh hưởng vượt qua giai đoạn khó khăn để trở lại sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn khuyến khích khách hàng giao dịch online.
Ngân hàng tung ra nhiều chính sách hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19…
Kể từ đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam đã chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, những ngành như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều hệ thống nhà hàng lớn tại Hà Nội thậm chí đã phải tạm thời đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh.
Để giúp các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều ngân hàng lớn trong nước như Vietcombank, Agribank, VPBank… đã vào cuộc, công bố nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ các khách hàng.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với gói tín dụng này, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất, đảm bảo không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ.
Trước đó, từ ngày 14/2/2020, BIDV sớm triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, thiệt hại. Điểm đặc biệt của gói tín dụng này là khách hàng của BIDV sẽ được hưởng mức lãi suất cố định 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Cùng chung tay với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng đang tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Gói tín dụng có lãi suất cho vay ưu đãi đối với khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn.
Nhiều ngân hàng khuyến khích giao dịch online trong mùa dịch Covid-19
Khuyến khích giao dịch online
Không chỉ tung ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các khách hàng, những ngày gần đây các ngân hàng cũng liên tục đưa ra nhiều chương trình nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch bằng phương thức online.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai chương trình tăng lãi suất tiết kiệm online, cụ thể, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,5% với kỳ hạn gửi từ 6 đến 18 tháng và 0,4% với kỳ hạn 24 tháng trở lên so với biểu lãi suất tiết kiệm online hiện hành, lãi suất sau cộng thưởng cao nhất lên tới 7,9%. Cùng với đó, ngân hàng còn khuyến khích thanh toán online khi giao dịch qua các trang thương mại điện tử như Shopee và Tiki bằng việc giảm giá cho chủ thẻ, mức giảm từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai chương trình dành tặng 1 chai nước rửa tay khô cho khách hàng phát sinh các giao dịch mới. Thêm vào đó, các gói tài khoản của MSB còn mang tới khách hàng giá trị cộng thêm đặc biệt khi gửi tiết kiệm online với lãi suất cao hơn tới 0.5%/năm so với lãi suất tại quầy khi thực hiện giao dịch gửi góp/gửi định kỳ qua tài khoản tại MSB. Ngân hàng cũng dành ưu đãi cho hoạt động mua sắm trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình nhằm khuyến khích doanh nghiệp trải nghiệm những lợi ích từ VietinBank eFAST. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký mới dịch vụ sẽ được hoàn toàn miễn phí chuyển khoản VNĐ trong và ngoài hệ thống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể được ưu đãi giảm trừ lãi suất cho vay từ 0,2% - 0,5%/năm so với mức sàn lãi suất cho vay.
Trước đó, từ ngày 14/2, BIDV cũng thông báo triển khai nhiều ưu đãi về tiền gửi và ngân hàng điện tử cho khách hàng nhằm tránh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, khách gửi tiền ở BIDV sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch (không vượt lãi suất trần).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.