Ngân sách Quốc phòng năm 2022 của Biden sẽ dùng để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn Trung Quốc?

Thứ tư, ngày 02/06/2021 17:02 PM (GMT+7)
Lầu Năm Góc được cho là đang tìm cách thay thế một số thiết bị như radar, vệ tinh và hệ thống tên lửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm phản đối Trung Quốc.
Bình luận 0

Ngân sách Bộ Quốc phòng trị giá 715 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chuyển tiền nhằm hiện đại hóa kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ với mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc, đồng thời mở rộng khả năng quân sự trong tương lai, Reuters đưa tin hôm 27/5.

Theo các nguồn tin, yêu cầu ngân sách quốc phòng sẽ được đưa ra Quốc hội vào ngày 28/5, trong đó bao gồm các khoản chi cho hoạt động quân đội, không gian, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương để đối phó với sự tập trung quân sự của Trung Quốc trong khu vực và công nghệ vũ khí hạt nhân.

Ngân sách được cho là sẽ dùng để tài trợ cho việc mua tàu và máy bay, cũng như bảo trì và tiền lương, ngoài ra thêm 38 tỷ đô la được dành cho các chương trình liên quan đến quốc phòng tại Cục Điều tra Liên bang, Bộ Năng lượng và các cơ quan khác, mang lại tổng ngân sách an ninh quốc gia lên 753 tỷ USD, tăng 1,7% so với con số cho năm 2021.

Khi quân đội tìm cách tăng cường năng lực để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, tiền được cho là sẽ được phân bổ để phát triển và thử nghiệm thêm tên lửa siêu thanh cùng các hệ thống vũ khí "thế hệ tiếp theo" khác.

Theo báo cáo, mục tiêu ngân sách của quân đội Mỹ đã bị cắt giảm một phần. Hơn nữa, chính quyền Biden được cho là sẽ yêu cầu cung cấp 85 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Lockheed Martin như một phần trong các mục tiêu cạnh tranh của Lầu Năm Góc.

Mặc dù ngân sách cho năm 2021 và 2020 chỉ yêu cầu 79 và 78 máy bay chiến đấu F-35, nhưng Quốc hội cuối cùng đã chấp thuận các máy bay phản lực bổ sung

Ngân sách Quốc phòng năm 2022 của Biden sẽ dùng để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ngân sách Quốc phòng năm 2022 của Biden sẽ dùng để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn Trung Quốc?

Kế hoạch sản xuất tàu của Hải quân Mỹ đến năm 2022, được công bố vào những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, bao gồm 12 tàu tác chiến mặt nước bổ sung. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, yêu cầu của Biden chỉ bao gồm 8 tàu tác chiến mới.

Trong khi giảm số lượng các thiết bị lỗi thời, chính quyền Biden sẽ tiếp tục đầu tư vào việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ, một dự án tốn kém mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính sẽ tiêu tốn trung bình hơn 60 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới.

Số tiền này sẽ được sử dụng để nâng cấp bộ chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, cũng như các hệ thống phân phối như Huntington Ingalls Industries và tàu ngầm hạt nhân Lớp Columbia của General Dynamics cùng chứng nhận máy bay chiến đấu phản lực tàng hình F-35 mang bom hạt nhân.

Các nhà chiến lược quân sự ở Mỹ lo ngại về căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Tuần trước, một tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan, sau đó Bắc Kinh đưa ra cáo buộc Mỹ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của tuyến đường thủy này.

Hơn nữa, dưới thời chính quyền Trump, số lượng các máy bay do thám tuần tra dọc biên giới Trung Quốc đã tăng đột biến so với những năm trước. Và dưới thời Biden, con số đó còn tăng hơn nữa, khi vào tháng 2, các máy bay do thám của Mỹ đã thực hiện 75 phi vụ gần Trung Quốc.

Các quan chức hàng đầu của chính quyền đương nhiệm, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đã mô tả mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc là thử thách địa chính trị lớn nhất đối với quốc gia này trong thế kỷ XXI, một thử thách phải được giải quyết triệt để. Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ đã áp dụng chính sách xây dựng lại các liên minh và tái gắn kết các thể chế quốc tế. Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng "thách thức nghiêm trọng" hệ thống toàn cầu.

Lê Phương (Sputniknews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem