Nhân vật chính với chai rượu giơ lên cao và khẩu hiệu “Cảm xúc chỉ có thể tốt hơn”.
Nội dung clip gồm 4 câu chuyện. Đầu tiên, một cô gái có ý định tự tử vì tình, sau đó được một anh chàng khuyến khích rằng: “Này, trước khi chết, làm một ly đi”. Sau khi uống rượu say, cô gái đó đã lập tức yêu ngay một anh chàng khác.
Tiếp theo, một gia đình đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì bố và con trai cãi nhau. Khi người con trai chuẩn bị ra đi, anh chàng nêu trên lại xuất hiện với lời khuyên cho hai bố con rằng: “Này, sau này khỏi nhìn mặt nhau nữa, làm một ly đi”. Kết quả, hai cha con lại làm lành với nhau.
Thứ ba, đó là cảnh mô tả hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Khi Chí Phèo tìm tới nhà Bá Kiến với ý định giết Bá Kiến, anh chàng trên lại xuất hiện và nói: “Này, đằng nào 2 người cũng sắp chết rồi, làm một ly đi”. Và rồi Chí Phèo và Bá Kiến giảng hòa với nhau.
Cuối cùng, khi anh chàng xuất hiện từ đầu clip đang ngủ say, một tên trộm bỗng lẻn vào nhà anh ta với mục đích cướp tài sản. Anh chàng này lại nói: “Này, đằng nào cũng ăn trộm rồi, hãy làm một ly đi!”. Tên trộm sau khi uống hết ly rượu liền tỏ ra hối hận và quyết tâm “làm lại cuộc đời từ đầu”.
Kết thúc clip, vẫn là hình ảnh nhân vật chính giơ chai rượu lên cao, hô to khẩu hiệu: “Vodka..., cảm xúc chỉ có thể tốt hơn”.
Sau khi clip được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng việc quảng cáo rượu đã cổ súy cho phong trào uống rượu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, uống rượu nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Độc giả Nguyễn Phương Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần chồng tôi, trước đó là cha tôi trở về nhà trong trạng thái say rượu là một lần tôi, mẹ tôi lại phải khổ sở dọn dẹp. Ngoài ra, clip này rất dễ khiến nhiều em nhỏ, hiểu biết chưa đầy đủ bắt trước, học theo. Tôi không thể hiểu nổi vì sao clip này lại được nhiều người hưởng ứng như vậy”.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người khác, với nội dung được xây dựng theo hướng hài hước, những người xây dựng đoạn clip nêu trên mong muốn người xem sẽ dễ dàng đón nhận hơn.
Độc giả Ngọc Anh (Nhân viên truyền thông) cho biết: “Có thể họ không hiểu Luật pháp không có phép việc quảng cáo rượu trên mạng. Tôi nghĩ người làm clip chỉ mong muốn sản phẩm của mình sẽ được công chúng đón nhận hơn, tạo nhiều ấn tượng hơn. Nhưng chỉ trong 1 đoạn phim ngắn mà họ chia thành 4 câu chuyện khác nhau, với quá nhiều hoạt cảnh, lại không có sự kết nối thì khó có thể coi là một video quảng cáo ấn tượng”.
Liên quan tới clip nêu trên, anh Lê Quốc Vượng - chuyên viên marketing, Công ty cổ phần NMS, nhà sản xuất và phân phối dòng sản phẩm vodka được quảng cáo trong clip tại Việt Nam cho biết: Clip quảng cáo rượu này không phải do công ty anh sản xuất. Theo phỏng đoán của anh Vượng, tác giả của clip nêu trên có thể là một nhóm những người hâm mộ rượu vodka của công ty anh (?).
Chia sẻ với Dân Việt, ông Vũ Vinh Phú (Chuyên gia Thương mại, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội) nói: “Nếu đúng đây là clip quảng cáo thì nó quá giật gân, phản cảm và khó có thể chấp nhận được. Trẻ em sau khi xem xong rất dễ học theo những hình ảnh trong clip. Thứ nữa, không ai cho phép quảng cáo rượu trên các phương tiện truyền thông. Cần phải có những biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng quảng cáo rượu trên mạng. Các cơ quan chức năng cần tìm ra chủ nhân của clip này và có biện pháp cảnh cáo, đồng thời rút ngay clip xuống không để nó lưu hành rộng rãi trên mạng”.
Vi phạm luật quảng cáo
Theo tìm hiểu của phóng viên, loại rượu được quảng cáo trong clip có nồng độ cồn là 30 độ. Theo quy định của pháp luật, những loại rượu trên 15 độ bị nghiêm cấm quảng cáo theo Khoản b, Điều 3 thuộc Mục 2, Thông tư 43/2003/TT-BVHTT ngày 16.7.2003 quy định về quảng cáo rượu. “
Ngoài ra, theo Khoản 14, 15, 16, Điều 22 Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về Sản xuất và kinh doanh rượu quy định các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.
Liên quan tới quy định xử phạt, theo điểm b, khoản 1, Điều 50 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 40.000.000 – 50.000.000 đồng áp dụng đối với hành vi quảng cáo hàng hoá, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo là quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.