Ngang nhiên xâm hại di tích: Đùn đẩy trách nhiệm

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 12/10/2015 08:16 AM (GMT+7)
Sau loạt bài “Ngang nhiên xâm hại di tích” của NTNN đăng trên các số báo từ số 241 đến 243, PV Báo NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Đình Tân - Chánh văn phòng Bộ VHTTDL về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước xung quanh thực trạng này.
Bình luận 0

Thưa ông, Báo NTNN vừa có loạt bài “Ngang nhiên xâm hại di tích” phản ánh tình trạng rất nhiều các di tích trong cả nước đang đối mặt với việc bị lấn chiếm không gian, xâm hại nặng nề. Ngay tại Hà Nội, việc các hộ dân lấn chiếm không gian và xây dựng nhà ở ngay trong chùa Thanh Nhàn (Hà Nội) nhiều chục năm nay vẫn chưa xử lý được. Chùa và đình La Phù- di tích quốc gia thì bị chợ bao vây mất mỹ quan. Các vụ việc này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa có hướng giải quyết. Vậy Bộ sẽ có ý kiến gì với địa phương để khắc phục tình trạng này?

- Đây là bài toán hết sức khó khăn do lịch sử để lại, bởi trong suốt thời kỳ chiến tranh kéo dài, các giấy tờ thường bị thất lạc nên khó có thể căn cứ để biết chủ quyền của một số di tích là như thế nào. Bộ VHTTDL cũng đã có hướng giải quyết, nhưng giải quyết triệt để thì chưa thể. Theo tôi, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc di dời, giải tỏa các hộ dân hay những đơn vị vi phạm không gian di tích. Nếu theo đúng quy định, muốn di dời, giải tỏa thì phải có ngân sách, có đền bù, hỗ trợ vì các hộ dân đã ở trong di tích quá lâu.

img

 Lều bạt, hàng quán “bủa vây” đình và chùa La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội).     Ảnh: An Lương

Ngay nhiều di tích ở cố đô Huế hay rất nhiều di tích khác nữa tại Hà Nội cũng vậy. Bộ cũng đã có chỉ thị bằng văn bản; chính quyền địa phương cũng đã thực hiện và báo cáo lại, thế nhưng vẫn chưa giải quyết triệt  để được vì khó khăn về ngân sách. Khi nào có được khoản ngân sách từ địa phương bố trí cho việc di dời, giải tỏa thì mới trả lại được không gian cho các di tích bị xâm hại.

Trong  khi công tác bảo tồn những di tích được xếp hạng vẫn còn khó khăn thì nhiều di sản  mang dấu ấn kiến trúc cổ như cổng làng, căn cứ cách mạng, các biệt thự, trường học… do chưa được xếp hạng nên bị các địa phương bỏ lơ, không có kinh phí bảo tồn. Việc nhanh chóng xếp hạng di tích cũng là vấn đề cấp thiết. Vậy Bộ có kế hoạch gì trong thời gian tới để đẩy mạnh việc này?

- Đây là thực trạng rất đúng và sát thực tế. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang chờ kế hoạch của các cấp trình lên bởi nhiệm vụ của các địa phương là kiểm tra, rà soát và báo cáo lên Bộ. Tôi thấy một số di tích được xếp hạng cấp quốc gia nhưng chúng ta không đủ tiền để tu bổ, tôn tạo cho cân xứng. Thời tiết Việt Nam là thời tiết nhiệt đới, gió mùa, nắng, nóng, ẩm rất khắc nghiệt nên di tích nếu không được bảo tồn tốt rất dễ bị hư hỏng, biến dạng. Trong khi kinh tế của Việt Nam còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, việc bỏ một số tiền lớn để lo bảo tồn, tu bổ di tích là rất khó. Vì vậy, việc xếp hạng di tích cũng cần cân nhắc, di tích nào thực sự có giá trị thì các tỉnh, thành nên đề xuất. Còn di tích nào chưa thật sự cần cấp thiết bảo tồn, địa phương chưa nên đề xuất vội.

Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng đề nghị Cục Di sản cần mở các khóa đào tạo về thợ trùng tu di tích và mời các nhà nghiên cứu truyền dạy để tránh tình trạng trùng tu làm sai lệch di tích đang khá phổ biến hiện nay. Quan điểm của Bộ về đề xuất này là gì?

- Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn trùng tu di tích, tuy nhiên tôi được biết một thực tế rất đáng buồn thế này: Có những người được cử đi tập huấn trùng tu di tích thì không tham gia trực tiếp làm. Trong khi đó, những người không được cử đi tập huấn lại là người trực tiếp trùng tu. Có thể nói, công tác quản lý tại một số địa phương quá yếu kém. Họ đã cử người đi tập huấn một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm. Theo tôi, chính tại địa phương, ban quản lý trực tiếp ở di tích đó cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc nâng cao kiến thức trùng tu cho chính bản thân họ và những người trực tiếp trông giữ di tích.

 Đi vào một số vụ việc cụ thể, thời gian qua dư luận tiếp tục nóng lên với những sai phạm hàng loạt tại chùa Trăm Gian (Hà Nội). Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ra sao khi để di tích quốc gia bị xâm hại?

- Vụ việc xảy ra tại chùa Trăm Gian, tôi nghĩ rằng, công tác quản lý tại di tích này có vấn đề. Bởi những sai phạm của sư thầy trụ trì tại đây đã trở thành hệ thống. Bắt đầu từ năm 2012, xảy ra việc sư trụ trì tự ý hạ giải, trùng tu mới, sau đó lại đưa xưởng gỗ lấn chiếm không gian chùa. Đặc biệt là triển khai thi công những hạng mục phần tháp có 2 tháp nhỏ tu sửa không đúng nguyên trạng; nhà ni được tôn tạo từ 5 gian thành 6 gian (thêm 1 gian so với nguyên trạng) chưa đúng với báo cáo tu sửa cấp thiết đã được duyệt.

Tôi nghĩ trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên và quan trọng chính là người trông coi di tích, rồi đến Ban quản lý tại địa phương, Sở VHTT. Còn Bộ VHTTDL thì có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra di tích. Tôi thấy rất đáng tiếc trong thời gian gần đây, mỗi khi xảy ra sự việc nóng liên quan đến di tích, thì những người có liên đới thường đùn đẩy, biện lý do cho sự việc sai phạm. Lúc có công thì tranh rất nhanh, nhưng tội thường đùn đẩy và chối bỏ.

Với vụ chùa Trăm Gian, Sở VHTT Hà Nội vừa gửi văn bản lên UBND TP.Hà Nội nhận lỗi do thiếu giám sát chặt chẽ, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục bằng cách tổ chức hội nghị và lấy ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, vì sao Sở VHTT Hà Nội chưa đưa ra được mức xử phạt đối với sư thầy trụ trì cũng như chính quyền địa phương?

img

" Những di tích được xếp hạng mà tạo được nguồn thu thì cơ quan quản lý tại địa phương đó sẽ chỉ nhìn vào nguồn thu đó. Nhưng nếu như di tích không tạo được nguồn thu, thì cơ quan quản lý sẽ bỏ mặc, không có trách nhiệm, và đùn đẩy lên Bộ." 
Ông Phan Đình Tân

- Đầu tiên nói đến trách nhiệm, thì đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Sở VHTT Hà Nội. Chính vì vậy, ngay khi báo chí nêu ra sai phạm, Sở đã vào cuộc và đưa ra giải pháp khắc phục, thực hiện xong trong tháng 11.2015. Tuy nhiên, Sở chưa có chế tài thật nghiêm với người trụ trì tôi cho là chưa ổn bởi sai phạm tại chùa Trăm Gian đã xảy ra nhiều lần. Sư trụ trì thiếu trách nhiệm trong việc trông coi, bảo tồn di tích, thậm chí có thể nói là coi thường Luật Di sản văn hóa. Vì vậy nếu Sở không có chế tài nghiêm để có sức răn đe, cảnh báo với sư thầy, cũng như có sức cảnh báo tới những người trông coi và trụ trì tại các di tích khác thì tôi e rất dễ xảy ra tình trạng tái diễn sai phạm.

Bộ VHTTDL đã đưa ra quy định xử phạt tại các nghị định, và mức xử phạt theo quy định là xử phạt hành chính đúng với quy định luật của Nhà nước. Bộ không thể xử phạt hay tăng hình phạt trái với luật. Chính vì vậy, ở khía cạnh nào đó, hình phạt chưa đạt hiệu quả, sức răn đe cao.

Chuyện cháy án gian phủ thờ tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), ông Nguyễn Thế Hùng- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: “Việc lập hồ sơ di tích đã đưa ra phương án phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên để thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào chủ đầu tư và kinh phí. Cục Di sản văn hóa không thể kiểm tra có thực hiện theo đúng hồ sơ hay không bởi đã phân cấp quản lý cho địa phương”. Theo ông, cách quản lý phân cấp dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” như vậy liệu có đảm bảo sẽ không tái diễn chuyện cháy, nổ tại các di tích?

- Chuyện cháy tại chùa Bút Tháp cũng là vấn đề Bộ đã đặt ra và đã yêu cầu cần phải tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, ở nhiều di tích còn thực hiện chưa nghiêm, thái độ ứng xử với di tích còn hạn chế nhất định.

Đúng là công tác phân cấp quản lý di tích hiện nay chưa ổn và cần phải hoàn thiện hơn nữa. Tôi ví dụ, với những di tích được xếp hạng mà tạo được nguồn thu thì cơ quan quản lý tại địa phương đó sẽ chỉ nhăm nhăm vào nguồn thu đó. Nhưng nếu như di tích không tạo được nguồn thu, thì cơ quan quản lý sẽ bỏ mặc, không có trách nhiệm, và đùn đẩy lên Bộ với lý do, di tích cấp quốc gia thì Bộ phải chịu trách nhiệm bỏ tiền ra trùng tu, tôn tạo dù việc phân cấp quản lý di tích của Bộ đã quy định rất rõ, di tích nằm trên địa phương nào, địa phương đó phải có trách nhiệm. Tới đây, Bộ sẽ có cuộc khảo sát, thanh tra rà soát toàn bộ trong công tác quản lý di tích, nếu còn điều gì vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong quản lý sẽ phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Xin cảm ơn ông!      

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem