Ngang nhiên xâm hại di tích: Tượng phật nằm trên... bể nước

Mỵ Lương Thứ năm, ngày 08/10/2015 08:06 AM (GMT+7)
Vụ Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị dân xây dựng trái phép chưa “nguội”, lại tiếp nối vụ việc xưởng xẻ gỗ bề thế lấn chiếm không gian di tích quốc gia chùa Trăm Gian (Hà Nội)...
Bình luận 0

Đó là 2 trong số rất nhiều vụ việc đáng báo động về tình trạng di sản hiện nay bị xâm phạm.

Lấn chiếm cửa thiền

Nhiều năm trở lại đây, sư trụ trì và các phật tử chùa Thanh Nhàn (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) mang đơn kêu cứu khắp nơi với hy vọng trả lại bình yên nơi đất phật, để ngôi chùa ứng với tên gọi là Thanh Nhàn.

Tuy nhiên, ròng rã từ năm 2007 cầu cứu cho di tích này, kết quả họ nhận được vẫn không mấy cải thiện. Vẫn tồn tại 13 hộ dân lấn chiếm khuôn viên di tích làm nhà ở, thậm chí có người cho thuê lại nhà trong di tích như tài sản cá nhân. Điều đáng buồn nữa là nhiều hạng mục của di tích chùa Thanh Nhàn (được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1989), đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

img

Quần áo, đồ lót của những người dân sống trong khuôn viên di tích chùa Thanh Nhàn  (ngõ 318 đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội) phơi thoải mái trước cửa nhà Mẫu. Ảnh:  M.L

Sư thầy Thích Đàm Nguyên- trụ trì chùa Thanh Nhàn nghẹn ngào cho biết: “Phía trước, phía sau đằng nào cũng là nhà dân ở. Từ năm 2010, nhà Mẫu, nhà Tổ chỉ mở cửa vào ngày rằm và ngày mùng 1 vì quá xập xệ. Nhà có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào nên các vãi vào trong nhà quét dọn, hoặc thầy vào thắp hương khấn vái phải đội mũ bảo hiểm. Để đảm bảo an toàn, nhà chùa đã làm đơn xin di dời tượng và được UBND quận Đống Đa đồng ý”.

“Cô tính, ngay giữa Thủ đô, trong khuôn viên di tích rộng khoảng 5.000m2, vậy mà có đau xót không khi tượng Tổ và tượng Phật hiện nay phải di dời ngự trên… bể nước ăn hàng ngày của chùa. Nếu không vì ghi nhớ lời sư cụ dặn dò: Càng khổ càng phải ở mới đáng là người tu hành, thì có lẽ thầy đã tìm nơi thanh tịnh khác để tĩnh tu. Chùa tên “Thanh Nhàn” nhưng chẳng khi nào chúng tôi thanh thản” -  vị trụ trì  tâm sự.

Tại một địa điểm khác, diện tích mặt tiền của di tích quán chùa Huyền Thiên trên phố Hàng Khoai (Hà Nội) khá khiêm tốn, nhưng người dân đã bày bán đủ món đồ ăn, thức uống phía trước cổng chính và làm chỗ gửi xe. Chị Vũ Thị Thanh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Đã mấy lần tôi đi lễ tại chùa Huyền Thiên nhưng nếu không để ý là lại đi qua cổng chùa lúc nào không biết. Bởi hàng quán san sát, che kín cả cổng vào”.

Thực tế, việc xâm hại không gian di tích không chỉ là tình trạng xảy ra ở riêng một khu vực nào mà là vấn đề nan giải tồn tại ở nhiều di tích đã được xếp hạng tại nhiều địa phương. Có thể kể đến quần thể di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), do việc quản lý thiếu chặt chẽ, kinh phí tu bổ không kịp thời, cộng với một bộ phận du khách thiếu ý thức đã khiến quần thể di tích này bị xâm hại và xuống cấp. Mới đây, người dân bức xúc khi chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)  - được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993 - bị một số gia đình lấn chiếm  đất di tích để xây nhà ở. Di sản chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có gần 1.000 tuổi cũng bị một xưởng sản xuất gỗ đặt chình ình ngay phía cổng vào...

Chưa có hướng giải quyết

Đình và chùa La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Đến nay, tình trạng chợ tạm tồn tại quanh di tích chưa được khắc phục triệt để. Hằng ngày chứng kiến sự nhốn nháo của chợ tạm quanh ngôi đình cổ kính tôn nghiêm, ông Nguyễn Quang Đường (87 tuổi) - nguyên Trưởng ban khánh tiết đình chùa La Phù không khỏi bức xúc: “Cây di sản trong khuôn viên di tích được Nhà nước công nhận bị xe cộ để ngang dọc xung quanh gốc. Rồi đủ thứ nước hàng quán gần đó còn thừa có khi đổ cả vào gốc cây. Nếu ra đình vào buổi sáng là gặp ngay cảnh gây tắc đường đến cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến ban ngành các cấp chỉ mong sao chuyển chợ ra vị trí khác cho giao thông thông thoáng, vệ sinh quanh đình sạch sẽ, nhưng đến nay vẫn chưa biết đến khi nào chợ sẽ được dời ra khỏi di tích”.

Trong khi vấn đề di tích xâm hại chưa được giải quyết, không gian trầm mặc của những giá trị cổ bị ảnh hưởng, làm mất đi phần nào giá trị tôn nghiêm. Trở lại với câu chuyện chùa Thanh Nhàn, phật tử Phạm Thị Duyên (75 tuổi) bày tỏ: “Người dân không ý tứ được nếp ăn, cách ở khi sống sát vách nhà Phật. Việc nấu nướng, mùi thức ăn xào nấu nào cá kho, thịt chiên, mắm muối, hành tỏi cứ bay khắp chốn chùa. Trong khi đó người khổ nhất vẫn là sư thầy và các vãi hằng ngày ăn chay. Các bà thương thầy, muốn nhắc nhở họ cũng khó vì là đời sống biết nhắc làm sao được”.

Qua tìm hiểu, những người dân sống trong khuôn viên chùa Thanh Nhàn cũng là vì “cực chẳng đã”. Hầu hết số hộ đang ở đây là các hộ ở nhờ, được chính quyền, ngành văn hóa cho mượn đất từ trước đó từ rất lâu. 5 thành viên hộ ông Phạm Hồng Sơn (61 tuổi), sống trong căn nhà được cơi nới rộng khoảng 30m2, chất đủ thứ đồ dùng sinh hoạt. “Việc di dời các hộ dân trong di tích đã được gióng lên hàng bao năm nay nhưng không biết đến khi nào mới thực hiện” – ông Sơn nói.

Ông Tạ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: “Hiện tại xã đã thống kê có 142 hộ dân bán hàng ở khuôn viên đình chùa La Phù. Trong tháng 10 này ban lãnh đạo sẽ tập trung triển khai kế hoạch cho việc di dời chợ cách di tích khoảng 100m”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem