Đây cũng là vấn đề đã được nêu ra tại cuộc họp bàn về quy chuẩn sữa Việt Nam vừa diễn ra giữa đại diện 3 bộ quản lý sữa là: Công Thương, NNPTNT và Y tế. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chủ trì.
Sản xuất sữa tại trang trại bò sữa của Tập đoàn TH ở Nghệ An. Ảnh: T.X
Nông dân cần một quy chuẩn
Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) phân chia rõ ràng sữa dạng lỏng thành hai loại: Sữa dạng lỏng làm từ sữa tươi và sữa dạng lỏng làm từ sữa bột (được gọi thành hai khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” – tùy thuộc vào hàm lượng các chất nguyên bản của sữa có trong sản phẩm). Trong khi đó, trong Thông tư 30/2010 của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn sữa dạng lỏng quốc gia (Quy chuẩn QCVN 5-1:2010) đang gộp chung các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột và sữa tươi dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” đề ghi trên bao bì sản phẩm.
|
Là doanh nghiệp sản xuất sữa tươi lớn trong nước, bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết: “Thời điểm tôi bắt đầu làm sữa tươi năm 2009, có tới 92% sữa nhập của Trung Quốc về pha lại gọi là sữa hoàn nguyên”.
Còn đến bây giờ thì sao? - bà Hương cũng cho biết: Mới đây, người dân lại phải đổ sữa đi do không ai mua, có phải nguồn cung sữa tươi đã thừa? Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải chúng ta đang thừa sữa, mà khi tiêu thụ sữa bột giảm, người ta nói sữa tươi của nông dân “bẩn” để nhập sữa bột về rồi pha lại thành sữa hoàn nguyên cho rẻ.
Theo bà Hương, hiện nay, giá sữa bột đã giảm sâu trong 3 năm qua. Khi hội nhập với thế giới, rồi tham gia vào TPP có nghĩa thị trường của nước ta cũng như “chợ thương mại tự do”, nên nếu Nhà nước không quy định rõ ràng, người ta đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của dân để đưa sữa kém chất lượng về sẽ rất nguy hiểm. “Tôi cho rằng, phải kiến nghị Chính phủ sửa lại các quy định về sữa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em”- bà Hương nói.
Ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, kiến nghị của TH rất chính đáng, cần phải làm rõ sữa tươi là sữa tươi và sữa bột là sữa bột chứ không thể để khái niệm nhập nhằng như hiện nay. “Hiện có 2 văn bản về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các loại sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành. Khi đó, sản phẩm sữa tươi ở Việt Nam rất ít, có 7 sản phẩm khác nhau. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sữa tươi sản xuất ở Việt Nam ngày càng cao, còn sữa bột pha nước đóng lại gọi là sữa tiệt trùng. Khái niệm sữa tiệt trùng là dạng có một ít sữa bột, một ít sữa tươi hoặc chỉ có sữa bột hoà ra… đến thời điểm này không còn minh bạch nữa”- ông Vân nói.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sữa tươi. “Hiện giá sữa trên thế giới đang xuống, các doanh nghiệp sử dụng sữa nguyên liệu sẽ đi nhập khẩu, từ đó đẩy giá sữa trong nước giảm xuống. Nếu có quy chuẩn cũng là biện pháp để bảo hộ, bảo vệ nông dân sản xuất trong nước”- ông Phát nói.
Phải minh bạch khái niệm sữa
Nói về khái niệm sữa hiện nay, ông Nguyễn Quang Thảo - Trưởng phòng An toàn thực phẩm và công nghệ sinh học, Vụ KHCN (Bộ Công Thương) cho biết, ông đã từng yêu cầu phải minh bạch khái niệm về sữa. Theo ông Thảo, hiện Bộ NNPTNT đang chuẩn bị ban hành quy chuẩn kỹ thuật sữa tươi nguyên liệu, nhưng chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để ban hành quy chuẩn sữa tươi thành phẩm và ưu tiên dùng trong trong học đường.
Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, Quy chuẩn số 5 của Bộ Y tế về sữa hiện không phù hợp. Cụ thể, theo ông Chinh, với giai đoạn sản xuất hiện nay, khi đã có sản lượng sữa tươi lớn sản xuất trong nước, việc sửa đổi các quy chuẩn cũ là rất cần thiết. “Hiện nay, các công ty khi quảng cáo thường nói là 100% sữa tươi, nhưng để kiểm tra có đúng là sữa tươi thì không khó. Với trình độ hiện nay có thể xác định được tỉ lệ mỡ và hàm lượng của sữa tươi và sữa bột trong hộp sữa thành phẩm, từ đó có thể xử phạt doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật”- ông Chinh nói.
Ông Chinh cũng cho biết: “Tôi được biết, Uỷ ban Khoa học công nghệ -Môi trường của Quốc hội đã ban hành văn bản rõ ràng gửi Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, sửa đổi lại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 2010, kiểm soát việc ghi dán nhãn đúng sự thật và yêu cầu Bộ Y tế sửa Thông tư liên tịch 13, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện quy trình sửa đổi. Riêng về phía Bộ NNPTNT, ngoài việc đang tiến hành xây dựng quy chuẩn kỹ thuật sữa tươi nguyên liệu, Bộ cũng sẽ quản lý chặt hơn việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước theo hướng khi người dân thiết lập trang trại chăn nuôi mới phải ký hợp đồng với công ty để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.