Sữa tươi bị chèn ép bởi sữa bột: Sự mập mờ gây hại

Lê Hân Thứ năm, ngày 12/03/2015 11:24 AM (GMT+7)
Như NTNN đã thông tin trong bài “Sữa tươi bị chèn ép bởi sữa bột: Thông tư của Bộ Y tế có vấn đề”, trong khi Bộ Y tế (đại diện là Cục An toàn thực phẩm) vẫn cho rằng, việc quy định “sữa tiệt trùng” không phải là việc thay đổi khái niệm về sữa tươi, thì nhiều chuyên gia cho rằng, chính sự mập mờ này đã làm cho cả người tiêu dùng và nông dân bị thiệt hại.
Bình luận 0

70% sữa nước là sữa bột

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), với mức sử dụng trung bình 19-20 lít sữa/người/năm như hiện nay, sản lượng sữa tươi trong nước mới đáp ứng được 28-30% nhu cầu, còn lại tới 70% sữa nước được sản xuất ra từ sữa bột hoàn nguyên mà người tiêu dùng cứ ngỡ được sử dụng sữa tươi. Và cũng ít ai biết rằng, việc nhập sữa bột về để chế biến thành sữa hoàn nguyên lợi nhuận khủng như thế nào. Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho biết, như hồi cuối năm 2014, do tác động của giá xăng dầu thế giới giảm, nên giá sữa bột nhập về đến trong nước chỉ còn 6.300-6.500 đồng/kg, trong khi đó giá sữa tươi trong nước vẫn duy trì ở mức 12.000-14.000 đồng/kg, điều đó có nghĩa là giá nguyên liệu đầu vào của sữa bột chưa bằng 50% so với sữa tươi.

img

Nếu không quy định rõ thế nào là sữa tươi, người chăn nuôi sẽ bị thiệt hại (trong ảnh, người dân Mộc Châu, Sơn La cho bò ăn cỏ). Ảnh: Trần Quang
Thử nhẩm tính, với việc bổ sung nước vào để chế biến sữa, cứ 1kg sữa bột, doanh nghiệp có thể sản xuất ra tới 10-11 hộp sữa nước (loại 180ml), chỉ cần bán với giá 6.000 đồng/hộp, doanh nghiệp có thể thu lãi gấp 10 lần so với nguyên liệu thu mua vào, chưa kể sữa bột đó doanh nghiệp có thể chế biến lúc nào cũng được, không như sữa tươi đã thu mua về là phải chế biến ngay. Ông Hoàng Kim Giao- nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Ở các nước, họ không uống sữa hoàn nguyên, mà họ chỉ uống sữa tươi, bởi trong thành phần sữa tươi còn có rất nhiều vi chất dinh dưỡng có lợi mà chúng ta chưa biết hết. Song đáng tiếc, vì lợi nhuận hiện nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình mập mờ khái niệm này (sữa tiệt trùng) để đánh lừa người tiêu dùng”.

 

Bộ Y tế sẽ sửa đổi?

Theo lý giải của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong QCVN (quy chuẩn Việt Nam) được ban hành kèm theo Thông tư 30 năm 2010, khái niệm “sữa tiệt trùng” bao gồm các dạng sản phẩm: Sữa tiệt trùng thành phần có sữa tươi và sữa tiệt trùng thành phần không có sữa tươi. Vì thế, Cục ATTP cho rằng, nếu đặt tên cho nhóm sản phẩm này là “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” là không chính xác. Thế nhưng, trên thực tế các doanh nghiệp lại đang “lách” chính vào điều này, khi trên bao bì họ chỉ ghi chung chung là “sữa tiệt trùng”, còn tỷ lệ thành phần cấu tạo lên sản phẩm, cụ thể sữa tươi chiếm bao nhiêu %, nước, đường bao nhiêu %, sữa bột bao nhiêu %... thì lại không được Cục ATTP đề cập.

Là một người theo sát ngành sữa đã nhiều năm, ông Hoàng Kim Giao- cho rằng, việc Bộ Y tế quy định chung chung như vậy là không được, bởi sữa tươi khác hoàn toàn với sữa hoàn nguyên. Sữa tươi gồm có sữa thanh trùng và tiệt trùng, còn sữa hoàn nguyên nói thẳng ra là lấy sữa bột rồi pha với nước, bỏ thêm một số công thức vào để tạo ra sản phẩm đưa đến người tiêu dùng. “Tôi cho rằng, đã đến lúc Bộ KHCN cần chủ trì ngồi lại với Bộ Y tế, thậm chí thêm cả Bộ NNPTNT để xác định rõ ràng, thống nhất tên gọi ghi trên bao bì sản phẩm. Còn cứ để tình trạng mập mờ như hiện nay, để người tiêu dùng hiểu lầm, thì chỉ có doanh nghiệp lợi, còn cả người tiêu dùng, nông dân và chính doanh nghiệp chế biến sữa tươi đều bị ảnh hưởng, thiệt hại”- ông Giao nói.

Cũng theo đề xuất của ông Giao, chúng ta cần có quy định rõ ràng, đã là sữa tươi thì thành phần phải là 100% sữa vắt ra từ con bò, còn quy định mập mờ để coi sữa hoàn nguyên như sữa tươi là không chấp nhận được.

Trước thực tế từ sự phát triển của thị trường sữa trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm cũng thừa nhận: Trong thời gian qua, việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đã đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, song cùng với sự phát triển không ngừng của sản xuất và tiêu thụ đặt ra nhu cầu cần soát xét bổ sung nội dung quy định cho phù hợp tình hình thực tiễn. Đồng thời Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, đơn vị này đã có kế hoạch đánh giá việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có QCVN áp dụng đối với sữa dạng lỏng sau khi đã ban hành áp dụng được 3-5 năm, trên cơ sở đó sẽ có kế hoạch soát xét, sửa đổi, cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện kinh doanh tại Việt Nam.

  Đại diện Bộ KHCN cũng cho rằng, việc sửa đổi QCVN là quyền của Bộ Y tế, song cũng nên sửa theo hướng phân biệt rõ ràng như TCVN của Bộ KHCN. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khái niệm “hoàn nguyên” cũng cần phải làm rõ, vì đây là từ Hán- Việt, nên có thể người dân vẫn nhầm lẫn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem