Ngành Chăn nuôi Thú y toàn quốc cùng bàn về dịch tả heo châu Phi

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 06/09/2019 09:42 AM (GMT+7)
Nhiều giải pháp hạn chế bệnh dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, các phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi… là những chủ đề “nóng” của Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc năm 2019…
Bình luận 0

Diễn ra từ ngày 4 - 6/9/2019, tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc năm 2019 với chủ đề “Thách thức mới - Cơ hội mới”, đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia ngành chăn nuôi thú y trong và ngoài nước.

img

Tại Hội nghị, nhiều thông tin khoa học bổ ích được các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi, trình bày như: ông Nguyễn Xuân Dương, cục trưởng cục chăn nuôi Việt Nam, Philippe Greau (chuyên viên cao cấp tư vấn về heo - Pháp), Denis Grancher (giáo sư trường quốc gia thú y Lion- Pháp), Đặng Ngọc Hoàng (tổng giám đốc công ty MSD Animal Health Việt Nam, Fernando Abel Osorio (giáo sư trường ĐH Nebraska- Hoa kỳ, Vanessa Louzier (Giáo sư trường quốc gia thú y Lion- Pháp), Termsitthi Paphavasit (giám đốc kỹ thuật công ty Boehringer),…

Cụ thể, nhiều báo cáo có giá trị được trình bày trong các phiên của Hội nghị bao gồm: Những thách thức của ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay (Nguyễn Xuân Dương);  Bài tổng quan: Tình hình Dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam và hướng phát triển của ngành (Philippe GREAU); Thách thức về các bệnh trên heo tại Việt Nam (Nguyễn Tất Toàn); Đánh giá vaccine virus trên heo - Cách nhìn từ lịch sử đến công nghệ cao (Fernando Abel Osorio); Những tiến bộ trong nghiên cứu và ứng dụng dinh dưỡng chuyên sâu cho vật nuôi (Dương Duy Đồng); Cách tiếp cận thực chứng về vai trò của phụ gia thức ăn trong việc giảm sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh (Neil Gannon); Các Phương pháp Chẩn Đoán Bệnh Mới giúp Tầm soát sớm một số Bệnh quan trọng trên Heo  (Termsitthi Paphavasit); Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (TUAN Bendixen); Thành lập Ủy ban Đạo đức đối với động vật (Philip Chamberlain); Thảo luận những cơ hội mới cho phát triển chăn nuôi…

Phát biểu tại Hội nghị PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ, trong thời gian vừa qua, ngành Chăn nuôi - Thú y gặp không ít khó khăn về dịch bệnh, thương mại, lẫn về vấn đề biến đổi khí hậu… từ đó đặt ra những thách thức mới cho ngành. Vì vậy, mục đích của hội nghị lần này là đi sâu mổ xẻ và tìm ra các giải pháp liên quan đến ngành chăn nuôi. Đặc biệt, Hội nghị cũng là dịp để chia sẻ những kinh nghiệm đối với dịch bệnh được coi là thảm họa đối với ngành chăn nuôi heo hiện nay: Dịch tả heo châu Phi - các biện pháp hạn chế bệnh dịch này tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, các phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

“Ngoài những thông tin khoa học mới và những thảo luận về thách thức và những cơ hội phát triển, hội nghị còn là nơi để người tham dự nâng cao kỹ năng nghề thông qua các khóa huấn luyện tiền hội nghị”, ông Toàn, chia sẻ thêm. 

Diễn ra song song với các hoạt động của hội nghị, hội chợ triển lãm AVS đã tích cực giới thiệu thành tựu ngành Chăn nuôi-Thú y của Trường, Viện, Cơ quan, Công ty; Trưng bày sách, tạp chí và công trình khoa học; Thức ăn, thuốc thú y, quy trình công nghệ, dụng cụ, thiết bị, giống vật nuôi; Hội thảo chuyên đề, tuyển dụng việc làm và các vấn đề khác có liên quan.

Được biết, Hội nghị Khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc năm 2019 được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào các năm lẻ. Hội nghị do Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Hội thú y Việt Nam (đơn vị đồng bảo trợ) cùng trường Đại học Nông Lâm TP.HCM (đơn vị tổ chức) thực hiện với mục đích cùng nhau giao lưu, học hỏi, chia sẻ thông tin cùng với các nhà nghiên cứu, quản lý, kinh doanh, và đào tạo trong lĩnh vực về Chăn Nuôi Thú Y khắp cả nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem