Nan giải tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên
Ngày 5/9, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM mới chính thức khai giảng. Từ ngày 22/8, các trường bắt đầu mở cửa đón học sinh tựu trường. Năm học mới này, ngành giáo dục TP.HCM vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên.
Tại quận Tân Phú, hòa chung không khí với toàn thành phố, học sinh bắt đầu đến trường trong niềm vui của năm học mới. Tuy nhiên, với lãnh đạo Phòng GDĐT quận Tân Phú, niềm vui này không trọn vẹn bởi những trăn trở về việc thiếu trường, thiếu phòng học. Tương tự quận Bình Tân, quận 12 hay huyện Bình Chánh, quận Tân Phú là địa phương hàng năm có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao. Việc xây dựng, bổ sung trường lớp không thể đáp ứng nổi nhu cầu.
Tân Phú cũng là địa phương có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp sản xuất, khu công nghiệp lớn, thu hút đông đảo công nhân khắp nơi về đây làm việc.
Theo ông Phan Sĩ Đạt – Trưởng phòng GDĐT quận Tân Phú, tổng số dân của quận khoảng 484.000 người. Trong đó, số học sinh trong độ tuổi đi học (từ mầm non đến bậc THCS) dự kiến gần 93.700 em. Năm học này, số học sinh tăng hơn năm ngoái khoảng 1.600 em. Toàn quận có 211 trường học, trong đó có 54 trường công lập, 60 trường ngoài công lập và 97 nhóm lớp mầm non ngoài công lập.
Theo ông Đạt, trong năm học mới 2022-2023, quận đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận vẫn còn thấp. Ở bậc tiểu học chỉ có khoảng 26% học sinh được học 2 buổi, bậc THCS cao hơn một chút với khoảng 36,3% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Đáng nói, nhiều phường trên địa bàn quận thiếu cục bộ trường học. Cụ thể, tại phường Phú Thọ Hòa hiện có hơn 39.000 người dân, đứng thứ 7 toàn quận về dân số nhưng lại không có bất cứ trường tiểu học nào kể cả công lập hay ngoài công lập. Phường Hiệp Tân thì không có trường THCS, phường Phú Thạnh lại chưa có trường mầm non công lập.
Một số phường khác có trường lớp nhưng dân số cao như phường Tân Quý (67.000 dân), phường Tây Thạnh (64.000 dân), phường Sơn Kỳ (46.000 dân)… dẫn đến áp lực sĩ số trong năm học mới rất cao.
Vẫn chỉ là giải pháp trước mắt
Ông Đạt cho biết, nhằm đảm bảo đủ chỗ học, quận đã áp dụng phương án di chuyển học sinh các phường thiếu trường lớp sang các phường lân cận học tập. Nhờ đó, tất cả các trường trên địa bàn quận đều có lớp được học 2 buổi/ngày, sĩ số bình quân ở bậc tiểu học là khoảng 45 học sinh/lớp, bậc THCS khoảng 42 học sinh/lớp.
Ông Phan Sĩ Đạt chia sẻ, tương tự các địa phương khác, khó khăn giải quyết trường học, chỗ học cho học sinh là do công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn quận vẫn chưa thể theo kịp với tốc độ gia tăng dân số, nhất là đối với bậc học tiểu học. Trong năm học 2022–2023, quận Tân Phú không có trường học mới nào được đưa vào sử dụng.
Trong kế hoạch trung hạn (5 năm tới), quận có 7 dự án, công trình xây trường học được thành phố duyệt kinh phí. Các trường này chủ yếu là bậc học mầm non và tiểu học.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác của quận là việc thiếu giáo viên. Tại quận Tân Phú, tính từ tháng 9/2021 đến hết tháng 7/2022, có 50 giáo viên từ bậc mầm non đến THCS xin nghỉ việc với các lý do như gia đình, chuyển công việc khác…
Trong năm học 2022–2023, toàn quận thiếu 190 giáo viên, nhiều nhất vẫn là tiểu học với 86 giáo viên, THCS 80 giáo viên, còn lại là mầm non và trường chuyên biệt. Ông Đạt cho biết, quận đang thực hiện việc tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục quận trong năm học sắp tới.
Theo ông Đạt, giáo viên dạy các môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, tin học… ở cả bậc tiểu học lẫn THCS đều rất khó tuyển. Nguyên nhân là chế độ lương, chính sách ưu đãi cho giáo viên còn nhiều hạn chế, khó thu hút. Để giải quyết bài toán giáo viên cho năm học mới, các trường lên kế hoạch mời giáo viên hợp đồng, hoặc thỉnh giảng từ các trường bạn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.