Ngành giáo dục tự hại mình

Thứ tư, ngày 29/06/2011 11:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bệnh thành tích vốn là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, từng gây bức xúc lớn trong xã hội. Nhằm chấn chỉnh loại "bệnh" xấu này, năm 2006, lần đầu tiên, Bộ GDĐT đưa ra chủ trương hai không.
Bình luận 0

Nhờ đó mà kỷ cương của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ấy được siết chặt, những biểu hiện tiêu cực trong phòng thi được ngăn chặn và xử lý gần như triệt để, trên 3.000 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật, đình chỉ thi. Và kết quả đỗ tốt nghiệp năm 2007 lần đầu tiên của cả nước (sau chuỗi năm cao chót vót) đã tụt xuống mức thấp nhất: 66,7%.

Những tưởng chủ trương, phong trào tốt đẹp, đúng đắn ấy tiếp tục được duy trì, đi vào nền nếp như buổi ban đầu; nào ngờ đến những năm học sau, nhất là năm 2010 và năm 2011 này, thì tình hình đã đổi chiều, quay trở lại như thời điểm trước năm 2006. Tức là "bệnh" thành tích thành thứ "bệnh dịch" đã kháng thuốc, bất trị hoàn toàn. Năm 2011 này tỷ lệ đỗ đạt gần 95%, hệ giáo dục thường xuyên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đến đột biến, có nhiều nơi hơn cả hệ phổ thông. Có thể tin được không về sự tiến bộ “thần tốc” ấy và làm cách nào để có được những con số đẹp như vậy?

Tỷ lệ đỗ càng cao, người ta càng buồn khi tiếp cận với các kết quả thi thực. Mới đây, báo chí đưa tin, trong một kỳ thi thử, ở TP.HCM có tới 404 học sinh đều có cùng số điểm là 6 điểm/6 môn thi. Có học sinh cả 6 môn đều được điểm 0. Còn tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện một lớp 10 mà toàn bộ học sinh của lớp đều xếp loại yếu, kém. Sau mỗi mùa thi đại học, cao đẳng, người ta thống kê được có đến hàng trăm ngàn bài của sĩ tử bị điểm 0, điểm kém. Học sinh hết cấp 3 gì mà chưa thạo 4 phép tính đơn giản của tiểu học, mà không viết nổi một văn bản cho ra hồn. Những cứ liệu cụ thể "biết nói" ở trên, khiến chúng ta thêm đau lòng, nhức nhối về chất lượng thật của giáo dục phổ thông.

Cái căn bệnh sính thành tích, đánh giá dễ dãi chất lượng học sinh một thời gian dài, nay bùng phát trở lại, gây ra biết bao nhiêu hệ lụy, nguy hiểm cho học sinh, cho xã hội. Tạo sản phẩm thấp kém, không đúng thực chất, không tốt cho xã hội, đất nước. Tỷ lệ đỗ cao sẽ nuôi dưỡng ngộ nhận, ảo tưởng lệch lạc cho phụ huynh, học sinh. Sớm buông xuôi, thỏa hiệp, vì mục đích nhỏ hẹp... thì bấy giờ chính ngành giáo dục tự đánh mất mình, thậm chí hại mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem