Ngành ô tô trong cơn “ác mộng” Covid-19: EVFTA có phải “lối thoát”?

Thanh Phong Thứ ba, ngày 25/08/2020 18:30 PM (GMT+7)
Trước những ảnh hưởng sâu sắc của làn sóng dịch Covid-19, ngành ô tô trong nước chao đảo. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) thực thi từ ngày 1/8 được hy vọng là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) sẽ phải làm gì để có thể nắm bắt cơ hội?
Bình luận 0

Xóa bỏ nghịch lý xe sản xuất, lắp ráp trong nước đắt hơn xe nhập

Theo nhận định tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, công nghiệp ô tô là ngành có sự tác động lớn đối với những ngành khác. Không chỉ sản xuất những chi tiết, bộ phận ô tô mà đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp vật liệu.

"Vì vậy, cần có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, cạnh tranh với xe nhập khẩu", Ts. Thành khẳng định.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, với bối cảnh hiện tại, ô tô là một trong các ngành công nghiệp cần được ưu tiên thời gian tới. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về tầm quan trọng phát triển các sản phẩm mang đậm yếu tố "Make in Việt Nam".

Ngành ô tô trong cơn “ác mộng” Covid – 19 (Bài 2): EVFTA có phải “lối thoát”? - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã tiếp cận công nghệ cao nhưng còn nhỏ lẻ.

Nhận định về năng lực ngành ô tô trong nước hiện tại, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho hay, những linh kiện, phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn...

Điều này cho thấy, Việt Nam đã có các nhà sản xuất linh phụ kiện ô tô đạt chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không chỉ sản xuất những sản phẩm giản đơn.

Tuy nhiên, từ trước tới nay thị trường ô tô vẫn tồn tại nghịch lý xe nhập khẩu do chịu các loại thuế cao nên thường đắt. Tuy nhiên, các mẫu ô tô phổ biến được lắp ráp trong nước như Fortuner, CR-V hay Xpander,… giá không thấp, thậm chí cao hơn so với bản nhập khẩu. Điều này trái với kỳ vọng của khách hàng luôn là "xe lắp ráp phải rẻ".

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, hiện tại, các DN ô tô Việt Nam đều sản xuất, lắp ráp theo tiêu chuẩn toàn cầu của các hãng ô tô trên thế giới. Nhiều DN đã lắp ráp được các dòng xe cận cao cấp và cao cấp trên thế giới như Peugeot, các dòng C, E của Mercedes – Benz.

"Tuy nhiên, nguyên nhân ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện có giá thành cao hơn (khoảng từ 10 – 20%) do đang gặp bất lợi về chi phí sản xuất, xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Một là, dung lượng thị trường và quy mô sản xuất hiện tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ô tô phát triển đi trước rất lâu. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, do đó các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô phải nhập khẩu từ nước ngoài, từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp nguyên chiếc trong nước", đại diện Cục Công nghiệp nhận định.

Để hỗ trợ ngành ô tô trong nước đại diện Cục Công nghiệp cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi,… và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Theo đó, DN đáp ứng các điều kiện của Chương trình được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Bên cạnh đó, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 nhằm kích cầu tiêu dùng.

"Dù có chút chậm trễ so với kỳ vọng của các DN cũng như người tiêu dùng nhưng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tạo ra chuyển biến tích cực trên thị trường. Theo báo cáo của VAMA, tổng doanh số bán ô tô của các thành viên thuộc VAMA trong tháng 6 năm 2020 đạt 24.002 xe, tăng gần 5.000 xe tương đương 26% so với tháng 5 năm 2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020", đại diện Cục Công nghiệp thông tin.

Ngành ô tô tận dụng EVFTA sao cho "khéo"?

Đánh giá về thời cơ và thách thức của ngành công nghiệp bốn bánh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, ô tô là ngành công nghiệp trọng yếu của EU, vì vậy EU duy trì hàng rào thuế MFN (thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường) khá cao đối với xe nguyên chiếc.

Cụ thể, EU áp dụng 10-16% đối với xe buýt, 10% đối với xe ô tô con, 10-22% đối với xe tải, nhưng duy trì mức thuế vừa phải đối với phụ tùng, linh kiện (dưới 5%).

Ngoài việc duy trì mức thuế MFN cao, theo cam kết trong EVFTA, EU còn giữ lộ trình giảm thuế dài cho ô tô nguyên chiếc (5-7 năm), nhưng giảm ngay về 0% cho phụ tùng linh kiện các loại.

Ngành ô tô trong cơn “ác mộng” Covid – 19 (Bài 2): EVFTA có phải “lối thoát”? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ô tô trong nước cần hiểu rõ vận hội từ Hiệp định EVFTA.

Về quy tắc xuất xứ đối với các mặt hàng ô tô, EVFTA có yêu cầu tỉ lệ nội khối cao hơn so với các mặt hàng khác (55%). Về các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành, EVFTA có những cam kết cụ thể dành riêng cho ngành.

Trong đó, cam kết công nhận Quy định UNECE là tiêu chuẩn quốc tế liên quan, và các bên không quy định thêm các yêu cầu kỹ thuật trong các lĩnh vực thuộc Quy định của UNECE. EVFTA cũng khuyến khích Việt Nam ký kết Hiệp định UNECE 1958 và EU cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tham gia Hiệp định này.

"Như vậy, có thể thấy lợi thế EVFTA mang lại cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam không đến từ các cam kết về lộ trình gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho ô tô nguyên chiếc mà chủ yếu từ 02 cơ hội. Một là, cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng linh phụ kiện cho ngành ô tô. Hiện nay, thị trường EU đứng thứ sáu, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy của Việt Nam.

Thứ hai, cơ hội thu hút dịch chuyển đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, và cơ hội chuẩn hóa các tiêu chuẩn trong nước với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong ngành, và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp EU. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang đứng trước những thay đổi nhanh chóng, với sự phổ biến của xe ô tô điện, xe tự hành, kết nối, và chia sẻ", đại diện Cục Công Nghiệp cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định từ phía Cục Công nghiệp, EVFTA cũng mang lại rất nhiều thách thức cho ngành ô tô trong nước. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ EU khiến cho giá xe nhập khẩu ngày một giảm. Điều này gia tăng sức ép lên sản xuất ô tô nội địa vốn gặp khó khăn do phải gỡ bỏ hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN theo cam kết từ Hiệp định ATIGA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem