Ngành thuế nhất quyết coi chế biến tôm tươi là sơ chế, doanh nghiệp kêu trời
Ngành thuế nhất quyết coi chế biến tôm tươi là sơ chế, doanh nghiệp kêu trời
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 04/07/2020 08:31 AM (GMT+7)
Một lần nữa, quy định chế biến thủy sản chỉ được coi là hoạt động sơ chế nên tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) mà các DN trong ngành phải đóng lên đến 20% thay vì 15% theo Nghị định số 12/1015 khiến các DN ngành chế biến thủy sản bức xúc. Bộ NNPTNT đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tháo gỡ.
Ngày 12/6/2020, Công ty CP Chế biến thủy sản Cà Mau đã có công văn gửi đến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị về chính sách thuế thu nhập DN đối với các DN chế biến thủy sản.
Theo công văn này, ngày 5/6, các DN thủy sản tại Cà Mau đã nhận được thông báo số 1057/TB-CT của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập DN từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Trong đó, vấn đề nổi cộm là việc áp dụng một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục Thuế khiến đa số các sản phẩm thủy sản chế biến bị quy là "sơ chế" dẫn đến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, DN chế biến thủy sản sẽ được phép áp dụng mức thuế suất thu nhập DN là 10% nếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc là 15%, nhưng nếu là hàng sơ chế thì vẫn phải áp dụng thuế thu nhập DN 20%.
Trong công văn gửi VASEP, ông Bùi Nguyên Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thủy sản Cà Mau nêu rõ, đối với quy trình chế biến tôm tươi, tôm hấp đông lạnh gồm các công đoạn sau: Tôm tươi nguyên con được lột vỏ, rút tim, phân size cỡ (công đoạn này phải rửa nước lạnh nhiều lần và ướp đá), tẩm màu, hấp chín, cấp đông, đóng gói hoàn chỉnh và bảo quản lạnh.
Theo ông Khánh, việc xác định quy trình xay xát, đánh bóng gạo được Tổng cục Thuế xác định là hoạt động chế biến nông sản, trong khi quy trình chế biến thủy sản như trên chỉ được coi là hoạt động sơ chế là chưa phù hợp.
"Để xây dựng một nhà máy chế biến thủy sản hoàn chỉnh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và phức tạp nhưng cơ quan thuế chỉ xác định đó là hoạt động sơ chế là điều các DN thủy sản khó có thể chấp nhận được" - ông Khánh khẳng định trong công văn.
Từ thực tế đó, ông Khánh kiến nghị VASEP kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế các DN có đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) và có nhà máy chế biến thủy sản thì được ưu đãi thuế thu nhập DN theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Tất cả các sản phẩm chế biến, bảo quản của các nhà máy chế biến thủy sản theo quy trình nêu trên là hoạt động chế biến đúng nghĩa, không phải hoạt động sơ chế.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các DN chế biến thủy sản phản ứng về việc này. Trước đó, trong công văn gửi Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ngày 19/9/2019, VASEP cũng kiến nghị, Bộ NNPTNT sớm có ý kiến với Bộ Tài chính tháo gỡ vấn đề này.
Theo VASEP, hoạt động chế biến của DN thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng.
Nhưng khi thanh tra, kiểm tra các DN chế biến thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước ngành thuế sẽ kiểm tra thu nhập của DN thuộc hoạt động chế biến hay hoạt động sơ chế, và với cả 3 dạng chế biến trên, các cơ quan quản lý Nhà nước ngành thuế đều không công nhận là sản phẩm "chế biến" mà chỉ là "sơ chế" khiến tỷ lệ phải nộp thuế của các DN thủy sản hiện tại (bao gồm cả sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành.
Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét
Sau khi nhận được văn bản kiến nghị mới đây của VASEP, ngày 2/7/2020, Bộ NNPTNT đã có Công văn số 4476/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản "chế biến" và "sơ chế".
Cụ thể trong công văn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn xử lý một số nội dung.
VASEP phản ánh nhiều DN bị các cơ quan quản lý Nhà nước ngành thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập DN 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế thu nhập DN là 15% theo khoản 5 Điều 11 và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
VASEP kiến nghị: "Cho phép chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18 độ C, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng được xem là hoạt động chế biến của DN thủy sản và được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính".
Trong khi đó, hiện nay hoạt động chế biến của DN thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18 độ C, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng.
Các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính chưa có cơ sở vững chắc xác định thế nào là sơ chế và thế nào là chế biến, sản phẩm như thế nào sẽ được coi là sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào.
DN ngành thủy sản cho rằng: Quy định về sơ chế, chế biến tại các văn bản về thuế nêu trên không phù hợp với thực tế ngành chế biến thủy sản, không phù hợp với quy định của Luật An toàn thực phẩm.
"Nhằm thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết và hướng dẫn về kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.