Ngành Xây dựng đã làm được những gì trong năm 2024?

Phương Thảo Chủ nhật, ngày 29/12/2024 08:02 AM (GMT+7)
Trong năm qua, ngành Xây dựng đã thúc đẩy phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; tạo đà phục hồi cho thị trường bất động sản...
Bình luận 0

Giảm 10% hồ sơ dự án phải thẩm định tại cơ quan nhà nước

Thống kê những kết quả tiêu biểu của ngành Xây dựng trong năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 26/11/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với tỷ lệ tán thành cao. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Cùng với đó, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vào ngày 22/8/2024. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung soạn thảo và trình Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật để đảm bảo đồng bộ hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, 2 dự án luật khác do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước cũng đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)…

Về phân cấp phân quyền, năm 2024 Bộ Xây dựng đã rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng cùng một số nghị định có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Qua đó, thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của bộ về cho địa phương thực hiện.

Với việc phân cấp triệt để, dự kiến sau khi nghị định có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan Trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện là khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước.

Thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi  - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: CTV

Năm 2024, Bộ Xây dựng kịp thời thể chế hóa các chính sách, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đồng thời, đã tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, những “điểm nghẽn”.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành 250 định mức, sửa đổi bổ sung kịp thời để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Đồng thời, năm 2024 ghi nhận tăng trưởng ngành xây dựng đạt khoảng 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%.

Thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chia sẻ tại họp báo. Ảnh: L.Q

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

Một thông tin quan trọng khác là vấn đề nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết: Trong năm 2024, cơ quan này phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức 2 Hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Những nỗ lực trên sẽ là tiền đề để công tác phát triển nhà ở xã hội trong cả nước sẽ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.

Ngoài ra, một số điểm nhấn ấn tượng của ngành xây dựng được ghi nhận trong năm 2024 là: đưa thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi phát triển; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sử dụng vật liệu xanh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy;...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem