Phương Thảo
Thứ sáu, ngày 27/12/2024 18:48 PM (GMT+7)
Ngày 27/12, Báo Lao Động và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp tổ chức Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát". Tập trung đưa ra các giải pháp để đa dạng hóa, tạo thêm các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới.
Toạ đàm nhấn mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chính sách an sinh xã hội quan trọng đang được cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước vẫn còn nhiều thách thức.
Với vai trò tiên phong, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng tại chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” vào đầu tháng 10/2024, Petrovietnam đã trao 150 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương trên cả nước.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh: "Trong năm 2025, có mục tiêu hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách Nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.".
Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng.
Để làm được điều này đòi một nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, khi ý Đảng hợp với lòng dân thì khó khăn mấy cũng phải vượt qua, khó đến mấy cũng làm thì chúng ta sẽ có một năm 2025 trọn vẹn.
Hướng đến mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, cần phải có cơ chế tuyên truyền, công khai minh bạch, từ đó khơi gợi tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, kết nối tình cảm cộng đồng mạnh mẽ.
TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, chia sẻ, theo báo cáo mới đây có tới 1,7 triệu căn nhà đã được xóa và cần xóa khoảng 443.000 căn. Tổng mức kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng 6.500 tỷ đồng, hiện đã huy động được khoảng 6.000 tỷ đồng. Đứng trước khối lượng công việc lớn, để gia tăng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát, nguyên tắc xã hội hóa là nguyên tắc số 1.
Để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào việc xây dựng nhà ở bền vững, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng điều quan trọng nhất có lẽ là vấn đề công khai minh bạch và tạo niềm tin.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn đến tận nơi để khảo sát tình hình, xây dựng nhà ở vì họ có suy nghĩ đồng tiền họ bỏ ra phải đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng nhà ở, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. Nếu đầu tư xây dựng không đúng đối tượng hoặc xây dựng chất lượng nhà ở không tốt, ồ ạt sẽ rất dễ xảy ra tình trạng người đáng được ở thì không được ở, làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tư nhân.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: Mạng xã hội là một xung lực lớn, để thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cần phải xây dựng các trang mạng chuyên về vấn đề này. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái, có đầy đủ các tài khoản, địa chỉ rõ ràng, công nghệ an toàn, có địa chỉ để phân phối, huy động vốn, càng chi tiết càng tốt.
Để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo thì rất cần sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương. Cùng với đó, Nhà nước cần phải cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình sống trong nhà tạm, nhà dột nát để họ có thể sửa chữa hoặc xây dựng lại nhà ở. Có thể xem xét các hình thức như cho vay ưu đãi, trợ cấp tiền mặt.
Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít".
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.