Nga-Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Kuril (tiếng Nga)/Lãnh thổ phương Bắc (tiếng Nhật)
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Nga tại Tokyo đã cáo buộc chính phủ của nhau tăng cường quân đội không thể chấp nhận được trong khu vực.
Người Nhật nói rằng sự hiện diện quân sự mở rộng của Nga tại quần đảo Kuril đang tranh chấp với nước này là "không thể chấp nhận được", trong khi người Nga tố ngược rằng kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore do Mỹ sản xuất của Tokyo là một "mối đe dọa tiềm tàng".
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã gay gắt phản đối với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng: "Lập trường pháp lý của nước tôi không chấp nhận các cuộc tập trận tên lửa, triển khai máy bay chiến đấu và tăng cường sự hiện diện quân sự (của Nga) ở Lãnh thổ phương Bắc". Lãnh thổ phương Bắc là tên Nhật Bản gọi quần đảo Kuril tranh chấp với Nga.
Trong khi đó, ông Lavrov bảo vệ hành động của đất nước mình, nói rằng "Các lực lượng vũ trang Nga đang hoạt động trên lãnh thổ có chủ quyền của họ và họ có quyền làm điều đó dựa trên luật pháp quốc tế".
Ông Lavrov cũng lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Nhật Bản, cũng như sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã lên tiếng tuyên bố với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu rằng, hệ thống Aegis được triển khai "hoàn toàn cho mục đích phòng thủ và không bao giờ được sử dụng để đe dọa Nga hoặc các quốc gia khác".
Nhật Bản đã và đang củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa của đất nước trong bối cảnh phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên.
Ngoài ra, vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã phê duyệt kế hoạch mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và tên lửa hành trình như một phần của sự hợp tác quân sự ngày càng tăng với Mỹ - bước đi đã chọc giận Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.