Người dân TP.Hạ Long còn chưa nguôi nỗi ám ảnh về trận mưa lịch sử tròn 1 năm trước. Sau 3 ngày mưa lũ (từ 26-28.7.2015), Quảng Ninh có 23 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản trên 1.000 tỷ đồng. Riêng TP.Hạ Long, số người thiệt mạng đã chiếm tới 14 người.
Mưa lớn gây ngập lụt khắp TP. Hạ Long trong ngày 5.7
Còn nhớ sau trận lụt tang thương ấy, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thị sát tại TP.Hạ Long. Trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh sau đó, nguyên Chủ tịch nước đã thốt lên câu hỏi rằng tại sao lại có sự vô lý đến thế, một vùng dân cư ven biển lại không thể tiêu thoát nước, dẫn đến lụt lội khủng khiếp đến như vậy? Lỗi này có phải do quy hoạch, hay do lỗi tại ông trời? Hẳn đó là một câu hỏi khó trả lời đối với những người “cầm cương” về quy hoạch.
Và cho đến buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vào chiều ngày (12.7) về Chương trình phát triển đô thị TP.Hạ Long đến năm 2030, khi đánh giá về hiện trạng quy hoạch đô thị, những “khuyết tật” thêm một lần nữa được lãnh đạo tỉnh chỉ rõ: Thành phố Hạ Long phát triển không bền vững, kết nối hạ tầng khập khiễng, những vấn đề này phải được nhìn nhận lại để có phương án khắc phục. Cùng với đó, chương trình phát triển đô thị của thành phố phải ưu tiên nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát nước cho toàn đô thị và xử lý nước thải...
Tìm lại những đề án về quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị của TP.Hạ Long từ những năm 2000 đã được phê duyệt và thực hiện, đề án nào cũng ngổn ngang những... cụm từ hoa mỹ. Như trong mục Định hướng kiến trúc cảnh quan, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang các khu đô thị (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2002-2010), ghi: “....Khu vực ven biển khống chế cao độ san nền, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển đô thị sinh thái đặc trưng gắn với Di sản vịnh Hạ Long... Cải tạo hệ thống kênh mương, thoát nước gắn với cảnh quan, cây xanh; từng bước phát triển đồng bộ và chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; định hướng để đầu tư xây dựng giải quyết tốt nhà ở xã hội đô thị; quản lý tốt quỹ đất trống, đất chưa khai thác...”.
Đến Hạ Long thời điểm này, cảnh tượng dễ nhận thấy đó là hàng loạt những công trường xây dựng. Dọc Quốc lộ 18A, bụi tung mịt mù. Nhiều dãy đồi núi bên đường đã trở thành những vết bạt đồi nham nhở. Từ đây, đất đá được bóc xúc để san lấp mặt bằng các khu đô thị mới (chủ yếu là lấn biển).
Từ đầu nguồn nơi dự án đang triển khai, đất đá theo mưa tràn xuống khu vực dân sinh bên dưới.
Câu hỏi đặt ra là, liệu những quy hoạch đô thị mới hiện nay đang diễn ra tại Hạ Long có cải thiện được thực trạng bức bách về tiêu thoát nước, hay lại càng làm cho tình hình thêm phức tạp? Câu trả lời đã rõ qua trận mưa lớn ngày 5.7 vừa qua. Ngoài những điểm lụt “truyền thống”, Hạ Long còn phát sinh thêm nhiều điểm lụt mới, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh.
Một nghịch lý đang lộ rõ ở TP.Hạ Long, là càng nỗ lực để xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, văn minh, thân thiện, là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thì lại càng làm mất dần đi cái “hồn” của vùng di sản thế giới.
Một đề án mới nữa về quy hoạch đô thị TP.Hạ Long sẽ được thực hiện trong nay mai. Nhưng điều mà người dân mong đợi chắc chắn không phải là những cụm từ hoa mỹ.
Xóa đi nỗi ám ảnh về một vùng duyên hải ven biển vịnh Bắc Bộ cứ mưa to là lụt, điều ấy có quá xa vời?
Ông Mai Diễn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế xây dựng Quảng Ninh cho biết: Theo thiết kế trước đây, tại khu vực bến Đoan, cầu cảng (kho vật tư cũ), Bãi Cháy đường thoát nước được tính toán rất cụ thể như: đánh giá tiết diện cống, miệng xả, độ dốc thoát nước, tiết diện thu nước qua lưu lượng mưa… nên việc thoát nước rất đảm bảo. Hơn nữa, Hạ Long là thành phố ven biển nước thoát rất nhanh. Chính vì thế có thể nói ngập lụt xảy ra trên diện rộng tại TP.Hạ Long trong vài năm trở lại đây là hiện tượng không bình thường. Điều không bình thường thể hiện rõ từ bất cập trong quy hoạch chi tiết từng vùng khi phê duyệt dự án đã bỏ qua những tính toán trên.
Đô thị Hạ Long có địa hình đồi cao nên rất đông người dân sinh sống ở phía dưới. Ngoài ngập lụt, trong thời gian qua hiện tượng sạt lở gây nhiều hậu quả nặng nề cho người dân. Có thể cho rằng ngoài tác động chính là sự khắc nghiệt của thiên nhiên thì cấu trúc đất đồi bền vững bị phá vỡ do quá trình san đồi để thực hiện dự án là nguyên nhân gây ra sạt lở trên ở nhiều nơi trên địa bàn TP.Hạ Long. Chính vì vậy, việc phê duyệt các dự án trên đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh phải hết sức thận trọng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.