Đáng nói, các địa bàn của Hà Tĩnh hứng chịu ngập lụt nặng nề là các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê… Đến ngày 6/9, mưa đã ngớt và nước bắt đầu rút, tuy nhiên mưa lụt kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân.
Chật vật trong nước lũ
Do mưa lớn, nước về nhiều, thủy điện Hố Hô xả lũ đã khiến nước sông Ngàn Sâu, sông Tiêm dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết. Những tuyến đường chính dẫn về các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thủy, Gia Phố, Lộc Yên của huyện Hương Khê bị cô lập hoàn toàn. Người dân buộc phải dùng thuyền hoặc bè mảng để di chuyển. Nhiều nhà dân, trường học, cơ quan bị chìm trong biển nước.
Nông dân Hương Khê đội mưa, vượt nước lụt thu hái bưởi bán chạy cho thương lái để vớt vát chút tiền vốn đầu tư. Ảnh: H.D
Ghi nhận của phóng viên, đến tối 5/9, mưa bắt đầu ngớt, nước lũ bắt đầu xuống. Lúc này, người dân lại tất tả từ nơi tránh mưa lũ trở về nhà, hối thúc nhau thu dọn nhà cửa để trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Ông Võ Trung (70 tuổi, trú tại xã Hương Đô), cho biết: “Khi nước lũ bắt đầu lên (2/9) là tôi kê đồ đạc lên cao rồi đến nhà người cháu ở chỗ cao hơn tá túc. Năm nay nước vào nhà khoảng 60cm. Tối 5/9, nước đã rút nên sáng nay (6/9) tôi đi mượn máy bơm về để chờ có điện là xịt rửa nhà cửa, tưới rửa bùn trên cây bưởi. Năm nay lũ ngâm 3 ngày đêm nên những cây bưởi của gia đình sẽ bị ảnh hưởng, lo lắm”.
Chiều 6/9, ông Hoàng Xuân Tần - Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ, xã “rốn lũ” của huyện Hương Khê, cho hay: So với ngày hôm qua, nước mới chỉ rút được 80cm. Việc đi lại trên địa bàn xã vẫn chủ yếu bằng thuyền nhỏ. Nếu nước lũ chậm rút thì nguy cơ thiếu nước sinh uống và nhu yếu phẩm sinh hoạt cho người dân sẽ trầm trọng hơn.
Thiệt hại lớn về sản xuất
Cuộc sống bị ảnh hưởng đã đành, đáng lo là mưa lũ đã làm hàng trăm ha hoa màu bị hư hỏng, hàng ngàn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng. Chị Lê Thị Ngọc Ánh (trú tại xã Gia Phố, Hương Khê) cho hay vườn bưởi hơn 3 năm tuổi của gia đình bị ngập nước tới tận ngọn. “Nếu nước cứ rút chậm thế này thì cây cũng có nguy cơ chết, cây còn sống cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất trong mùa sau”-chị Ánh lo lắng.
Ngập nước nhiều ngày, lúa đến kỳ thu hoạch đã mọc mầm. Ảnh: H.D
Bà Trần Thị Lường (xã Hương Trạch) cũng đang đứng ngồi không yên, bởi hơn 3.000 quả bưởi Phúc Trạch đang kỳ chín rộ chưa kịp bán lại gặp mưa lũ kéo dài. Vì vậy nguy cơ bưởi bị thối, rụng là không tránh khỏi. Bà than thở: “Sau lũ, bưởi lại bị ép giá nên thiệt hại về kinh tế cho chúng tôi là không nhỏ”.
"Nước rút đến đâu chúng tôi chỉ đạo các đơn vị bộ đội, công an… giúp các địa phương vùng lũ dọn dẹp nhà cửa, trường học. Thiệt hại nặng nhất là 1.900ha bưởi Phúc Trạch chỉ thu hoạch được 1/3. Số còn lại sau lũ sẽ bị thối, rụng… thiệt hại hàng chục tỷ đồng".
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND
huyện Hương Khê
|
“Nếu không có trận mưa sau lũ để rửa lớp bùn đất bám trên cây cam và bưởi thì cây có nguy cơ chết rất cao” - ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên bày tỏ.
Gần trưa 6/9, nước lụt rút, chị Lê Thị Châu (ở xã Phúc Trạch) vội ra ruộng lúa của gia đình để kiểm tra. Chị chán nản vì những hạt lúa đã nảy mầm khá dài, số lúa ấy giờ gặt cũng ở mà không gặt cũng không được.
“Nhà làm 4 sào lúa, trước lũ đã gặt được hơn 1 sào, nhưng thứ đưa về nhà cũng bị mọc mầm mà thứ còn để ngoài ruộng cũng bị mọc mầm. Năm nay coi như làm lúa là mất trắng” - chị Châu nói.
Lúa trong nhà, ngoài đồng bị mọc mầm là tình trạng chung trong vụ sản xuất hè thu năm nay tại địa bàn Hương Khê. Hàng tấn lúa của người dân gặt về, do mưa kéo dài không phơi được đã nảy mầm xanh biếc.
Theo thống kê, trong đợt mưa lụt này, trên địa bàn huyện Hương Khê có gần 3.000 hộ dân bị ngập nhà từ 0,5 - 1,5m. Có hơn 1.900ha bưởi Phúc Trạch đang vào kỳ thu hoạch bị ngập, hàng trăm ha cam các loại cũng bị ảnh hưởng, hàng trăm tấn lúa bị nảy mầm...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.