Ba đầu sáu tay...
Xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có 10 thôn thì có tới 3 nữ trưởng thôn. Phải làm được, nói được với bà con thôn xóm, phải say mê với hoạt động tập thể lắm, những nữ trưởng thôn này mới hoàn thành được công việc...
|
Vừa giỏi việc nước, chị Khoản vừa đảm việc nhà. |
Người ta ví chị Vũ Thị Chúc (SN 1960)- Trưởng thôn Quang Trung là người “3 đầu 6 tay” quả không ngoa. Chồng làm thợ xây, 3 con đi làm và đi học xa nhà, một mình chị quán xuyến hơn mẫu ruộng và gần 1ha đồi cây ăn quả. Chỉ kể công việc gia đình, chị Chúc cũng đủ tất bật tối ngày. Ấy thế mà chị vẫn làm tốt công tác trưởng thôn và chi hội trưởng nông dân suốt 12 năm nay. Bất kể công việc lớn bé nào của thôn, từ việc vận động bà con hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, xây cống rãnh, dọn vệ sinh bảo vệ môi trường đến hòa giải vợ chồng trục trặc... cũng tới tay chị. Nhiều lúc chị cười và nói nửa thật nửa đùa: “Làm trưởng thôn thì chỉ trừ lúc đi vệ sinh người ta không gọi mình”.
Một điều đặc biệt là chị Chúc còn kiêm luôn chức bí thư chi đoàn thôn. Chức này, với chị quả là bất đắc dĩ. Thôn có trên 200 hộ dân nhưng không có chi đoàn, bởi thanh niên đi xa hết, đứa đi học, đứa đi làm, chẳng có người hoạt động nên chị bất đắc dĩ phải phụ trách bọn trẻ suốt 3 tháng sinh hoạt hè ở thôn. Những ngày sinh hoạt hè lại vào đúng mùa cấy nên chị Chúc bận từ 5 giờ sáng tới gần nửa đêm.
Cùng cảnh tất bật như chị Chúc là chị Nguyễn Thị Khoản (SN 1963) - Trưởng thôn Lê Lợi 1. Nhà trong xóm nhưng hơn 10 năm nay, cả nhà chị ra ngoài bãi sông để thả cá, làm vườn. Chồng chị Khoản bị gai cột sống nên chị gần như đảm nhiệm hết công việc gia đình. Vừa làm 8 sào mía và 3 sào ao nuôi cá, chị vừa làm công tác xã hội. Có hôm chị đi tới nửa đêm mới về. Rồi khi có người trong thôn mất, chị lại triền miên mấy ngày hỗ trợ tổ chức ma chay. Những lúc chị đi vắng, chồng con chị ở nhà tự lo ăn uống. Dù vậy, chồng chị vẫn động viên vợ “đã làm trưởng thôn là phải làm chu toàn”.
Cô gái 19 tuổi làm trưởng thôn
Hiện chưa có thống kê chính xác về số nữ trưởng thôn trong cả nước, nhưng theo tổng hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có hàng ngàn phụ nữ hiện đang làm công tác trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn trong cả nước. Về trưởng thôn, trẻ tuổi nhất là chị Dương Thị Kim Huê được bầu là Trưởng thôn Phú Bình (xã Quế Xuân II, Quế Sơn, Quảng Nam) khi mới 19 tuổi. Làm trưởng thôn lâu nhất là bà Trần Thị Tín, 60 tuổi, ở thôn Thanh An, xã Tân An, Tân Kỳ, Nghệ A (làm liên tiếp 4 khóa). Địa phương có nữ trưởng thôn nhiều nhất là huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) với 23 người.
Chị Nguyễn Thị Viết, 53 tuổi, Trưởng thôn Lê Lợi 2 thì có vẻ... nhàn nhã hơn. Chị tâm sự: “Tôi có chồng nuôi mới dám làm trưởng thôn vì việc thì nhiều mà phụ cấp ít”. Nói thế nhưng việc nào chị cũng chu toàn. Quản lý gần 300 hộ của một thôn thuần nông, lúc nào chị Viết cũng tâm niệm lấy cái tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình để giải quyết công việc.
Tâm huyết với hoạt động thôn như thế chị còn bị nghi ăn chặn tiền. Chị buồn lắm. Chuyện là cách đây 4 năm, thôn Lê Lợi 2 tổ chức quyên góp mỗi gia đình 50.000 đồng, còn mỗi cán bộ là 100.000 đồng để làm sân chơi chung cho thôn.
Cả thôn có 273 hộ nhưng chỉ có 180 hộ đóng tiền, còn các hộ nghèo khác không đóng vì không có tiền. Tuy nhiên, người ta vẫn tính tổng tiền 273 hộ và nghi chị ăn bớt tiền. “Cây ngay không sợ chết đứng”, cuối cùng cấp trên đã làm rõ và minh oan cho trưởng thôn Viết.
Vượt lên định kiến
Ở xã Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội), bà Trịnh Thị Yến - Trưởng thôn Hà Lỗ khá nổi tiếng vì sự tháo vát, khéo dân vận. Tuy đã có hẹn trước với bà Yến nhưng phóng viên NTNN cũng phải đợi mất nửa buổi sáng mới trò chuyện được với bà, bởi bà đang dở việc thu tiền điện, dân đến đông quá mà ai cũng muốn nhanh. Vừa tra sổ, tra tên, thoăn thoắt bấm máy tính, bà Yến bảo: “12 giờ đêm qua vẫn còn ngồi cộng để hôm nay làm cho nhanh đấy”. Hỏi ra mới biết sáng 5.3, bà đến đình Đại Vĩ thu tiền điện từ 6 giờ đến tận chiều mới nghỉ.
Nhớ lại khi mới được bầu làm trưởng thôn, bà Yến cười nói: “Lúc đó tôi sợ lắm, làm trưởng thôn thì trăm sự bà con đều gọi đến mình, mình có tuổi rồi, còn con còn cháu... Thế nhưng, bà con đã tín nhiệm, lẽ nào không làm”.
Tuy nhiên, với bà Yến, được bầu làm trưởng thôn rồi cũng chưa hẳn đã là xong chuyện, ở nông thôn, định kiến trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề đối với một số người dân. Đàn ông bao giờ cũng... ghét bị chỉ đạo, nói chi bị nữ giới điều hành. Ở thôn, khi bà nói về chính sách, ai mà có học cao một chút (chủ yếu là đàn ông) là người ta vặn vẹo.
“Những lúc như thế mình phải nắm chắc việc, nắm chắc chính sách để giải thích” - bà Yến trần tình. Có chuyên môn kế toán trong tay, bà Yến quản lý tài chính của cả thôn, vậy mà nhiều khi cũng có điều tiếng dị nghị, rằng là phụ nữ căn cơ, chi tiêu hạn hẹp...
Tuy nhiên, người dân Hà Lỗ vẫn không thể không phục sự tháo vát, hiểu biết của bà. Từ năm 2008, bà khởi xướng kêu gọi bà con hỏa táng cho người thân, thay vì chôn bởi đất đai quá chật hẹp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống của chính người dân. Giờ, 100% người chết ở thôn đều thực hiện hỏa táng, bà con hết sức hưởng ứng phong trào này vì lợi ích của nó.
Việc làng xã đã vậy, việc nhà cũng chẳng ngơi tay. Hết giờ làm việc thôn là bà Yến xắn tay ngay vào việc nhà, nấu cơm, dọn nhà, chăm cháu đi học, chăm trại gà đẻ... Bà tâm sự: “Không nấu cơm một ngày thì chồng có thể thông cảm được, chứ đến ngày thứ 2 là cũng khó đấy”. Dưới sự tháo vát của bà Yến, thôn Hà Lỗ liên tục đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi vệ sinh, sức khỏe. Năm 2012, thôn Hà Lỗ nhận giải Làng văn hóa điển hình.
Bùi Hương - Minh Thu
“Gối chiếc” nâng bước con thơ
Họ là những phụ nữ đơn thân, nhọc nhằn mưu sinh, hy sinh tuổi xuân để nuôi con. Quà tặng ngày 8.3, với họ, là sự trưởng thành, tiến bộ của con cái.
|
Bữa cơm trưa đạm bạc của mẹ con chị Diệu tại xưởng. |
7 năm trôi qua, nỗi buồn của chị Trương Thị Lành (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn chưa phôi phai khi hay tin chồng rơi xuống biển Hoàng Sa, không tìm thấy xác. “Đau đớn tột cùng, nhưng tôi phải gắng sống để lo cho tụi nhỏ” - chị nghẹn ngào kể. Ngay sau đó, chị gửi con thơ cho mẹ già chăm nom để ra bến cá Sa Huỳnh rửa hải sản thuê. Mỗi ngày, cứ 4 giờ sáng, chị vào xưởng xẻ mực, rửa sạch, phơi và sấy khô rồi đóng gói, cứ vậy đến 8 giờ tối mới về nhà.
Dẫu lắm cơ cực, nhưng chị Lành vẫn đẹp mặn mà và trẻ trung so với tuổi 30. Nhiều lần người bạn trai thuở thiếu thời ngỏ lời kết tóc se duyên nhưng chị từ chối vì lo con cái không được chăm sóc đầy đủ. Cảm nhận được sự cơ cực và nỗi lòng của me, các con chị rất chăm ngoan.
Còn chị Ngô Thị Diệu (xã Phổ Thạnh) góa chồng 10 năm, chồng chị là anh Kinh Quang Đề qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. “Làm gì để có tiền lo cơm áo cho các con và cha mẹ chồng, trả khoản nợ vay mượn để thuốc thang cho chồng?”. Câu hỏi ấy cứ bám riết lấy chị. Cũng như chị Lành, chị Diệu tìm được nghề rửa hải sản. 3 giờ sáng, chị lo vội bữa cơm đạm bạc cho các con rồi đến xưởng làm việc, 9 giờ đêm mới về nha, khi các con đã ngủ vùi.
Rỗi việc xưởng, chị đi bán muối dạo khắp Quảng Ngãi. Vài chục nghìn đồng thấm đẫm mồ hôi sau cả ngày rong ruổi với gánh muối nặng oằn vai đã giúp con chị có thêm quyển vở, tấm áo mới vào ngày khai trường. Thương mẹ vất vả, cả 3 con của chị Diệu cũng rất chăm ngoan, học giỏi. Kinh Quang Nghị- con trai lớn của chị Diệu hiện là sinh viên đại học ở TP.HCM, nói: “Sự hy sinh của mẹ dành cho tụi em tựa như trời biển, giúp cho tụi em phấn đấu vươn lên trong cuộc đời này”.
Với những người mẹ như chị Lành, chị Diệu, ngày 8.3 với các chị bình thường như bao ngày. Khi được hỏi về ngày này, các chị chỉ mong: “Con cái ngoan ngoãn, học giỏi là quà tặng của đời đối với chúng tôi rồi. Cần chi ai tặng quà nữa”. Chị Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phổ Thạnh cho biết: Toàn xã có 86 phụ nữ đơn thân với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Thương mẹ chịu nhiều vất vả nên hầu hết các cháu đều chăm ngoan, học giỏi
Đức Cường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.