Ngày càng nhiều quy định “trên trời”: Trách nhiệm người làm luật ở đâu?

Bách Thuận Thứ bảy, ngày 07/04/2018 06:00 AM (GMT+7)
Những văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thực tiễn, gây hoang mang dư luận đang ngày một nhiều, không chỉ cho thấy sự thiếu trách nhiệm, mà còn thể hiện năng lực của người ban hành pháp luật rất “có vấn đề”.
Bình luận 0

Những quy định “trên trời”

Tuần qua, dư luận xôn xao, phản ứng trái chiều với hai quy định, dự thảo vừa được đưa ra. Đó là văn bản số 1349 do UBND TP.Hà Nội ban hành, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng gây nhiều dư luận trái chiều. Chỉ thị yêu cầu cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới với tinh thần “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”; số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người); không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...

img

Quy định ngực lép không được lái xe năm 2008 của Bộ Y tế đã ngay lập tức vấp phải phản ứng từ dư luận và đặt ra hàng loạt bất cập. Ảnh: T.L

Trước đó vài ngày là dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt của liên Bộ GTVT và Bộ Y tế, trong đó chi tiết gây ra nhiều tranh luận nhất là: người răng vẩu, ngực lép... không đủ tiêu chuẩn sức khỏe làm việc trong ngành đường sắt.

Đây không phải lần đầu tiên chuyện ngực lép không được lái xe bị phản ứng. Năm 2008, quy định “ngực lép không được lái xe máy” của Bộ Y tế vừa được đưa ra đã vấp phải sự phản ứng dữ dội. Cụ thể, theo quy định, người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45m, trọng lượng dưới 40kg) không được đi xe máy trên 50cc; đáng chú ý Bộ này còn ra tiêu chuẩn người có vòng đo ngực trung bình dưới 72cm không được cấp bằng lái hạng A1, tức cũng không được đi xe trên 50 cc.

Vào thời điểm đó, ông Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng đây là tiêu chuẩn cần thiết đảm bảo sức khỏe người lái xe và an toàn giao thông. Ngay khi thông tin về quy định này được lan truyền, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” quyết định về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và Quyết định 34/2008 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển môtô, xe 3 bánh.

Đến năm 2013, quy định “ngực lép” không được lái xe lại được Bộ Y tế và Bộ GTVT một lần nữa đưa ra trong dự thảo “Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô  và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe”. Theo đó, người dân muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy từ 50cm3 trở lên (giấy phép lái xe hạng A1, B1) thì phải có vòng ngực trung bình không dưới 72cm, cân nặng không được dưới 40kg, lực bóp tay không thuận trên 24 kg và phải có chiều cao trên 1,5m (hạng B1); trên 1,45m (hạng A1 - xe máy có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175cm3).

Với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), năm 2013 Cục CSGT – Bộ Công an cũng đã có một văn bản gây tranh cãi. Cụ thể, thời điểm đó, trong văn bản nội bộ mà đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67) chỉ đạo phòng CSGT các địa phương phải thực hiện được ký ban hành ngày 26.4.2013 có nội dung yêu cầu các đơn vị “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo các chuyên gia, văn bản trên là trái luật. Việc phải xin phép trước khi chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ là bất hợp lý vì vi phạm quyền của công dân và hạn chế trong việc phát hiện ra những tiêu cực trong lực lượng CSGT. Đại diện Bộ Tư pháp cũng bác bỏ và cho biết, pháp luật không cấm công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát.

Ngoài ra, hàng loạt quy định vô lý khác cũng được cơ quan chức năng ban hành, dự thảo như: Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau giết mổ năm 2012 của Bộ NNPTNT; xử phạt ôtô không có bình cứu hỏa, bịt ngã tư… Các quy định này đều đã phải dừng lại hoặc nhận phản ứng trái triều từ dư luận.

Dư luận “cười không được, khóc không xong”

Trước những quy định, những dự thảo lấy ý kiến gần đây gây xôn xao dư luận của các cơ quan chức năng, nhiều người dân bày tỏ lo ngại. Gần đây nhất, về dự thảo “răng vẩu không được lái tàu” của liên Bộ GTVT và Bộ Y tế, phía ngành đường sắt cho rằng do đặc thù nghề nghiệp, không phải muốn là dừng để chữa bệnh nên sức khoẻ lái tàu đòi hỏi chặt chẽ hơn để tránh tai nạn. Lái xe đường bộ có thể tuyển người sức khoẻ loại A, B, C nhưng đường sắt chỉ được tuyển loại A, 1 tiêu chí loại B cũng không đủ yêu cầu.

Nếu quan điểm về việc này, PGS. TS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho rằng: “Răng hô chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ hay sức nhai, nếu vẫn phát âm nghe rõ bình thường thì không hà cớ gì cấm làm nghề lái tàu”.

“Quy định thế này làm sao có thể xác minh được xem người ta ngực lép hay không để đi ra đường. Chẳng lẽ người ta ra đường rồi thì giữ lại để “xác minh” rồi mới cho tham gia hay không?” – một độc giả bình luận trước quy định của Bộ Y tế về “ngực lép không được phép lái xe”. Thậm chí, có người kiến nghị, Bộ Y tế nên thống kê từ xưa tới nay bao nhiêu trường hợp ngực lép gây tai nạn khi điều khiển phương tiện lưu thông.

Cũng liên quan tới tình trạng nhiều thông tư, dự thảo chưa kịp ban hành đã phải rút lại, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân từng đề cập rằng: “Có một bộ phận không nhỏ các cán bộ quan liêu, ngồi trong phòng lạnh để ban hành những quy định trên trời. Họ không nhìn thấy cuộc sống của người dân đang biến động ra sao để tác động đúng chiều…”

img

Luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa:
Lắng nghe ý kiến của người dân

Các dự thảo chỉ là lấy ý kiến trong nhân dân về việc đang được đề cập. Tất nhiên là họ khi đưa ra các quy định về “ngực lép” hay “răng vẩu” gì đó để áp dụng vào ngành, lĩnh vực nào thì nhiều phần đã dựa trên các cơ sở khoa học. Khi đưa ra ý kiến thảo luận, nhân dân không đồng tình thì họ rút lại. Đây là một hoạt động lắng nghe ý kiến của những người chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật đó.
Ngay cả luật khi ban hành, Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước cũng loại trừ trách nhiệm về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc dự thảo các văn bản thì càng không có quy định nào.
Quan điểm của tôi về vấn đề này, những gì mới, đặc biệt trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta cứ công khai, đông đảo nhân dân, quần chúng có ý kiến để tạo ra sự thay đổi. Không nên hạn chế sự sáng tạo trong việc xây dựng các quy định pháp luật. Cứ hạn chế, chê bai nhiều quá, có nhiều cái rất mới chúng ta phải chấp nhận nó, cái gì cũng có hai mặt.

Nguyễn Hòa (ghi)


Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốcimg hội:
Cần hội thảo,nắm dư luận trước khi ban hành văn bản

Theo tôi, điều quan trọng nhất là trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rằng nếu ban hành quy phạm pháp luật nào đụng chạm đến một đối tượng nào được điều chỉnh thì phải hỏi đối tượng đó. Đó là quy định ngặt nghèo trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng lẽ trước khi ban hành dự thảo, quy định phải tổ chức hội thảo, nắm dư luận trước chứ không được đưa ra tạo “sốc” cho dư luận rồi lại hủy bỏ. Đây là việc không tôn trọng pháp luật, cho nên rất đáng trách và cần phê phán nghiêm khắc, thậm chí là kỷ luật.
 

Thành An (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem