Tích cực giúp gia đình
Đến bản Ít, xã Nậm Păm, huyện Mường La (Sơn La), chúng tôi gặp em Quàng Thị Sum - học sinh lớp 7B, Trường THCS Nậm Păm, đang lùa đàn trâu đi ăn cỏ trên nương. Hỏi chuyện, Sum cho hay: Năm nào cũng thế, cứ vào kỳ nghỉ hè của học sinh chúng em là vùng cao vào vụ cấy lúa và chăm sóc ngô, sắn. Vì thế chúng em được tham gia giúp bố mẹ nhiều công việc: Nhổ mạ, cấy lúa, xới cỏ, chăn trâu, trông em, lấy củi… Tuy có vất vả một tí nhưng vui lắm vì được gần gũi người thân, bạn bè trong bản; được học cách làm việc, được cưỡi lưng trâu, chơi trận giả, cách thêu và quấn khăn piêu…
Đi nương ngày hè vừa để giúp gia đình, vừa là niềm vui sau những tháng chăm lo học hành của các em học sinh vùng cao tỉnh Sơn La. Ảnh: KT
Trên đường vào bản Chông Khầu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, chúng tôi gặp “gian hàng” hơn chục túi quả dưa mèo bày bán bên lề đường, cạnh đó là gần chục đứa trẻ nô đùa trong lúc chờ đợi khách mua. Cậu bé Sồng A Ma khoe: Hè này cháu được đi rừng làm nương cùng người lớn, thấy quả dưa mèo thì lấy về đem ra dọc đường bán để thêm tiền mua sách vở. Ở bản vùng cao này, chúng em không có trò chơi gì hiện đại đâu, chỉ rủ nhau đi rừng, tắm suối hoặc học cách trồng cây, hái rau, hái quả rừng… Những điều ấy ở trong sách vở không có nên chúng cháu rất thích.
Cũng giống như các bạn trong bản, hè nào cũng vậy, cô bé Hà Thị Giang - học sinh lớp 4C Trường Tiểu học Nà Sác (xã biên giới Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) lại theo bố mẹ lên nương trồng khoai sắn. Em bảo rằng chỉ ước một lần được về Hà Nội chơi, vào thăm Lăng Bác. Nhưng vì bố mẹ không có tiền nên những kỳ nghỉ hè em chẳng được đi đâu cả.
Đâu cũng là… sân chơi
Đến bản Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) vào những ngày nắng nóng này, không khỏi xót xa khi bắt gặp những cậu bé chăn trâu đen nhẻm, đầu trần, chân đất và những cô bé người Dao oằn lưng cõng củi. Đi cùng em Dường Ngọc Lan một đoạn dài, chỉ đến khi quá mệt, em đặt bó củi xuống chúng tôi mới bắt chuyện được. Lan bảo: “Từ lúc được nghỉ hè, ngày nào em cũng cùng bố mẹ lên rừng, hôm thì lấy củi, hôm thì chăn dê. Ở nhà, em cũng không có đồ chơi và chỗ chơi như các bạn…”.
Mùa hè của cậu bé Dường Phúc Lâm cũng bận rộn như cô bé Lan. Mỗi ngày, khi sương còn giăng trên đỉnh đồi, Lâm đã cùng mấy đứa trẻ trong bản cơm đùm, cơm nắm lùa trâu lên các sườn đồi, những nơi có nhiều cỏ non. Em cho biết: “Ngày nào cũng vậy, em cùng những người khác trong bản đuổi trâu đi từ sớm vì mùa hè trời nắng sớm nên phải đi sớm mới có cỏ xanh non cho trâu ăn, nếu không nắng quá trâu cũng chẳng chịu ăn cỏ”. Khi được hỏi về mơ ước của em trong dịp nghỉ hè, Lâm nhanh nhảu: “Em mong ước chúng em sẽ được vui chơi thoả thích dịp nghỉ hè, có thật nhiều đồ chơi”.
Ông Chìu Văn Phúc - Trưởng bản Phai Lầu cho biết: “Phai Lầu là bản vùng cao, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Cả bản có hơn 80 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, bà con lo ăn còn chưa đủ nói gì đến lo việc chơi cho lũ trẻ. Nghỉ hè, trẻ con ở đây không có thời gian đi chơi như trẻ con dưới xuôi vì mùa hè là mùa công việc đồng áng của nhà nông nhiều, nào thu hoạch lạc, ngô, nào gặt lúa, cấy lúa. Trẻ con tầm tuổi tiểu học thì ở nhà trông em, những đứa khoảng 10 tuổi trở lên thì phụ giúp bố mẹ các công việc như chăn trâu, chăn dê, lấy củi, làm việc đồng áng... Nói chung, đời sống ở đây khó khăn nên trẻ con ở đây không có nhiều điều kiện để nghỉ ngơi, vui chơi”.
Những ao ước giản dị của con trẻ khiến cho chúng ta không khỏi chạnh lòng. Bởi có tận mắt chứng kiến mới thấy sự thiệt thòi của trẻ em vùng núi, vùng sâu vùng xa, khi niềm vui của những ngày hè được tìm thấy ở ngoài sông suối, trên nương khi mò cua bắt ốc, chăn trâu hay được bơi lội, tắm sông, tắm suối cũng như nấu cơm, trông em, phụ giúp bố mẹ việc nhà…
Gần 1.000 thiếu nhi Sơn La kết thúc khóa học hè bổ ích
Ngày 31.7, Nhà thiếu nhi tỉnh Sơn La tổ chức lễ bế giảng các lớp năng khiếu với gần 1.000 em thiếu nhi các dân tộc trên địa bàn tham gia. Sau 2 tháng học tập, các em đã được rèn luyện, giao lưu học hỏi với nhau, giúp các em phát triển các khả năng, năng khiếu của mình, phát triển một cách toàn diện, góp phần cùng xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Em Trịnh Trung Hiếu - lớp Võ cổ truyền Nhà thiếu nhi tỉnh Sơn La cho biết: “Em cảm thấy rất là vui vì em được giao lưu với nhiều các bạn mới, cảm thấy sau khóa học này em sẽ rất là khỏe mạnh và vào năm học mới tốt hơn với sức khỏe dồi dào”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.