Ngày mai (23/2) chính thức khai hội Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 22/02/2024 13:34 PM (GMT+7)
Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh xuân Giáp Thìn kết hợp Khai trương du lịch huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) năm 2024 là điểm nhấn của du lịch huyện Ba Vì trong năm nay.
Bình luận 0

Theo kế hoạch của UBND huyện Ba Vì, Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh xuân Giáp Thìn và Khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2024 sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ, ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn (ngày 23/02/2024 dương lịch) tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Đền Hạ - xã Minh Quang.

Ngày mai (23/2) chính thức khai hội Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì- Ảnh 1.

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn và Khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2024 sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ, ngày 14 tháng Giêng. Ảnh: Đỗ Văn Minh.

Lễ khai hội gồm các phần: Biểu diễn văn nghệ; Khai mạc Lễ hội và đánh trống khai hội; Nghi thức khai trương du lịch; Nghi thức dâng lễ; Nghi thức dâng tấu chúc và dâng hương. Cũng trong khuôn khổ Lễ khai hội và khai trương du lịch năm nay, UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND xã Minh Quang phối hợp tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm phát huy năng lực sáng tạo phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần của nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Về công tác tuyên truyền, huyện phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin, quảng bá về nét đẹp văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, con người Ba Vì trước, trong và sau Lễ khai, khai trương du lịch.

Ngày mai (23/2) chính thức khai hội Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì- Ảnh 2.

Đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng. Ảnh: Đỗ Văn Minh.

Song song với đó, huyện cũng đã giao các đơn vị chức năng chỉnh trang đô thị, thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, căng treo pa nô... chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, chất lượng để đón tiếp và phục vụ du khách.

Các nhà hàng ăn uống, các điểm du lịch trên địa bàn huyện và tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Đền Hạ - xã Minh Quang chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, chú trọng tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự.

Đặc biệt, cũng trong dịp này, huyện Ba Vì cũng bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, văn hóa của địa phương, đồng bào dân tộc.

Ngày mai (23/2) chính thức khai hội Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì- Ảnh 3.

Việc chỉnh trang đô thị cũng đã được thực hiện trước đó, với các chậu hoa, cây cảnh trang trí đẹp mắt. Ảnh: Đỗ Văn Minh.

Lễ hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của người Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn.

Đồng thời, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân; Phát huy giá trị di sản văn hóa, từng bước hoàn thiện các nghi thức thực hành tín ngưỡng tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, phát triển thành vùng lễ hội.

Theo ghi chép trong sử sách, bản ngọc phả, thần tích còn lại các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh và lời kể của nhân dân quanh vùng núi Ba Vì thì khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng (nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).

Nhà nước phong kiến phải huy động nhân dân quanh hai bờ sông Đà nối tay nhau vận chuyển vật liệu hàng chục km từ sông lên qua các vách đá cheo leo để đến được ngọn núi cao 1227m. Tản Viên Sơn Thánh trở nên bất tử trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt cổ, được di dưỡng qua năm tháng, ngày càng tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.

Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh đã sản sinh ra các lễ hội làng: Lễ hội gồm phần lễ với các nghi lễ khấn, đọc văn tế và rước thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với Tản Viên Sơn Thánh; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang tính sáng tạo của nhân dân lao động. Lễ hội chính là hoạt động sinh hoạt văn hóa để tăng tính cố kết cộng đồng.

Ngoài ra, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì là một sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng bậc nhất của cộng đồng nhân dân địa phương cùng nhân dân quanh vùng núi Ba Vì.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem