Dân Việt xin được điểm lại một số tình tiết đáng chú ý trong vụ án Vạn Thịnh Phát trước khi Tòa bước vào phần tuyên án sơ thẩm vào ngày mai (11/4).
Nhiều bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát bị đề nghị mức án cao, cách ly khỏi xã hội
Theo quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) đối với bị cáo Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Lan ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải, "cần loại trừ ra khỏi đời sống xã hội".
Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng...
Tuy nhiên, VKS cho rằng bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.
Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt. Từ đó đại diện VKS cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.
Đại diện VKS TP.HCM cũng cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.
Hành vi trên của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) số tiền 64.600 tỷ đồng, đã phạm vào tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Cơ quan tố tụng xác định, để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan một số bị cáo bị dề nghị cách ly khỏi xã hội như: Đinh Văn Thành; Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB.
Trương Mỹ Lan khắc phục cho cháu gái Trương Huệ Vân và chồng Chu Lập Cơ
Trong diễn biến vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan xin được chuyển số tiền 1.350 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho cháu gái là bị cáo Trương Huệ Vân. Nguồn gốc số tiền này gồm 1.000 tỷ đồng (tiền mặt và tài sản đang bị phong tỏa) do bị cáo Nguyễn Cao Trí bồi thường, và 350 tỷ đồng do một cá nhân trả cho bà Lan.
Bị cáo Lan cũng mong muốn chuyển hơn 300 tỷ đồng mà cá nhân trên trả cho bà để khắc phục cho chồng là bị cáo Chu Lập Cơ.
Theo cáo trạng, tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan bị bắt nên Nguyễn Cao Trí muốn nhân dịp "nuốt" 1.000 tỷ đồng đã nhận từ bà Lan với những hợp đồng làm ăn trước đó. "Đại gia" này sau đó lập khống các văn bản thanh lý hợp đồng, thể hiện không có việc mua bán.
Trong giai đoạn đầu làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Cao Trí còn khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Trương Mỹ Lan, và tố người phụ nữ này "vu khống, bôi nhọ danh dự" của ông.
Cáo trạng đánh giá hành vi này thể hiện "ý thức chiếm đoạt tiền đến cùng".
Sau này, cơ quan tố tụng xác định gia đình bị cáo Nguyễn Cao Trí nộp khắc phục số tiền hơn 640,7 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Ngoài ra, 7 bất động sản do vợ chồng Nguyễn Cao Trí đứng tên, cơ quan điều tra xác định có giá trị hơn 266,2 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, gia đình bị cáo Trí đã nộp lại số tiền hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, nhà chức trách đã kê biên nhiều tài sản của ông Trí. Tại tòa, bị cáo cam kết sẽ khắc phục toàn bộ bằng tiền mặt số tiền đã chiếm đoạt.
Liên quan đến vụ án, VKS cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo: Nguyễn Cao Trí, Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân, Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Văn Hưng, Trần Thị Kim Chi, Nguyễn Quốc Huy, Bùi Ngọc Sơn, Dương Tấn Trước; Cao Việt Dũng, Nguyễn Phi Long, Đặng Quang Nguyên, Võ Văn Trần Quang, Đặng Phương Hoài Tâm...
Các bị cáo được đề nghị giảm án, mức giảm từ 1-2 năm tù. Bị cáo được đề nghị giảm án nhiều nhất là Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Trong đó:
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella): VKS ghi nhận bị cáo này đã tích cực khắc phục hậu quả vụ án với số tiền 700 tỉ đồng và khắc phục thêm trong những ngày diễn ra phiên xử 60 tỉ đồng. VKS ghi nhận việc đại diện Trường Đại học Văn Lang có đơn xin giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo này có nhiều thành tích trong công tác, đóng góp cho nhà trường. Từ đó, VKS đề nghị giảm mức án đã đề nghị trước đó (từ 10-11 năm tù) xuống còn 9-10 năm tù.
Bị cáo Trương Huệ Vân: VKS đánh giá bị cáo Vân thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, ăn năn, hối cải; phạm tội trong hoàn cảnh phụ thuộc, tin tưởng hoàn toàn vào bị cáo Trương Mỹ Lan; tham gia nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng; có nhiều giấy khen, bằng khen của các Bộ, ngành trung ương. Từ đó, VKS đề nghị giảm mức án đã đề nghị trước đó (từ 19-20 năm tù) xuống còn 17-18 năm tù.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan): VKS xác định bị cáo này không tham gia điều hành SCB cũng như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo phạm tội vì tin tưởng vợ là bị cáo Trương Mỹ Lan. VKS xác định bị cáo Cơ thành khẩn khai báo, có nguyện vọng buộc bị cáo Lan khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, VKS đề nghị giảm mức án đề nghị trước đó (từ 11-12 năm tù) xuống còn 10-11 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.