Ngày nổi loạn của Wagner, TT Putin đã từ chối nghe điện thoại của ông trùm Prigozhin
Truyền thông: Ngày nổi loạn của Wagner, TT Putin đã từ chối nghe điện thoại của ông trùm Prigozhin
Tuấn Anh (Theo Pravda)
Thứ hai, ngày 26/06/2023 07:25 AM (GMT+7)
Vào ngày lãnh đạo đội quân nổi loạn có ý định tiến về Moscow (24/6), ông trùm nhóm lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin đã cố gắng liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng ông đã từ chối và sau đó cũng không tham gia đàm phán.
Hãng tin độc lập của Nga Meduza có trụ sở tại Latvia, đề cập đến các nguồn thân cận với Điện Kremlin và chính phủ Nga cho biết, chính quyền đã đàm phán với Prigozhin dưới nhiều hình thức kể từ tối ngày 23/6, khi ông tuyên bố bắt đầu "cuộc tuần hành vì công lý" của mình.
"Lãnh đạo quân sự, các thành viên của chính quyền tổng thống, lãnh đạo của Rosgvardia (Vệ binh Quốc gia Nga) và các quan chức thân cận đã cố gắng liên lạc với ông ta (Prigozhin). Nhưng hành động của ông ta không rõ ràng là muốn đạt được điều gì", nguồn tin cho biết.
Đồng thời, theo nguồn tin của Meduza thân cận với phủ tổng thống Nga, vào khoảng giữa trưa ngày 24/6, Prigozhin bắt đầu cố gắng tự mình liên lạc với Điện Kremlin và được cho là thậm chí đã "cố gắng gọi cho Putin, nhưng tổng thống không muốn" nói chuyện với ông ấy".
Theo các nguồn tin của Meduza thân cận với Điện Kremlin và chính phủ Nga, Prigozhin rất có thể đã nhận ra rằng mình đã "đi quá giới hạn" và "triển vọng cho các đoàn xe của ông ta là rất mơ hồ". Vào thời điểm đó, những người lính đánh thuê đã không còn xa sông Oka, nơi quân đội Nga và Rosgvardia quyết định xây dựng tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại Wagner.
Theo những người đối thoại của Meduza, khi thấy tâm trạng thay đổi của Prigozhin, Điện Kremlin được cho là đã quyết định không "đổ máu". Các nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán cuối cùng được tiến hành bởi một nhóm lớn các quan chức, bao gồm Anton Vayno, người đứng đầu chính quyền tổng thống, Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga và Boris Gryzlov, đại sứ Nga tại Belarus. Đứng đầu nhóm đàm phán là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Theo một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin, ông Prigozhin nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán có sự tham gia của "các quan chức hàng đầu". Và với việc Putin miễn cưỡng tiếp xúc với Prigozhin, các nhà đàm phán không có nhiều lựa chọn.
"Prigozhin cần một người có tầm ảnh hưởng lớn để thoát khỏi cuộc chơi (trong khi giữ thể diện cho chính mình), ông Lukashenko là người làm điều đó. Prigozhin thích PR và hiểu lợi ích từ việc PR, đó là lý do tại sao ông ấy đồng ý", nguồn tin của Meduza cho biết.
Theo ý kiến của nguồn tin này, "lợi ích" dành cho Lukashenko là rõ ràng: về mặt công khai, ông đã trở thành người "nhiều nhất là cứu nước Nga khỏi nội chiến và ít nhất là khỏi đổ máu".
Các nguồn tin của Meduza thân cận với Điện Kremlin và chính phủ Nga đồng ý rằng Prigozhin đã thua: "Ông ta đã bị đẩy ra khỏi nước Nga. Tổng thống không tha thứ cho điều này". Theo họ, các bên vẫn sẽ "thảo luận" về các chi tiết của thỏa thuận liên quan đến vị trí mới của Prigozhin, nhưng "ông ấy sẽ không có ảnh hưởng và nguồn lực như cũ".
Đồng thời, nguồn tin thân cận với Điện Kremlin không loại trừ khả năng cuộc nổi loạn có thể dẫn đến thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng: "Nhưng không phải theo yêu cầu của Prigozhin, mà là do Bộ Quốc phòng tự sa thải".
Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đều không nói một lời nào về cuộc nổi loạn của Prigozhin. Cũng không biết họ đã ở đâu suốt thời gian qua.
Meduza dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ nghi ngờ rằng bất kỳ quyết định nhân sự nào liên quan đến Bộ Quốc phòng Nga sẽ được đưa ra trong tương lai gần: "Putin hầu như không bao giờ chiều theo hoàn cảnh và không chịu khuất phục trước áp lực".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.