Ngày ra viện của người lính nghĩa vụ bị thương, kiệt sức khi cứu nạn trong vụ cháy chung cư mini
Ngày ra viện của người lính nghĩa vụ bị thương, kiệt sức khi cứu nạn trong vụ cháy chung cư mini
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 23/09/2023 06:49 AM (GMT+7)
"Trong lúc cứu nạn, tôi đã nhìn thấy nhiều nạn nhân thiệt mạng nên dù bị bỏng một chân tôi vẫn cố gắng hết sức để cứu người. Tôi từng nghĩ đến cảnh mình có thể hy sinh, nhưng dù có nguy hiểm đến đâu, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận", anh Trung chia sẻ.
Ký ức người lính nghĩa vụ bị thương khi cứu nạn trong vụ cháy chung cư mini
Chiều 22/9, tại Bệnh viện Bạch Mai có 10 người trong số 31 bệnh nhân do vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) được ra viện. Đây là lượt bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai ra viện sau gần 10 ngày theo dõi, điều trị.
Trong số 10 bệnh nhân này có anh Nguyễn Quốc Trung (20 tuổi), chiến sĩ công an nghĩa vụ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an quận Thanh Xuân. Sau nhiều ngày được các y bác sĩ tích cực theo dõi sức khỏe của anh Trung đã ổn định và có thể trở về đơn vị.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Trung kể, đêm 12/9, đơn vị nhận được tin có cháy tại ngôi nhà trong ngõ 29 Khương Hạ. Do địa điểm cháy gần đơn vị nên khoảng 5 phút sau anh và đồng đội đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, đường đi vào ngôi nhà chung cư mini xảy ra hỏa hoạn quá nhỏ nên việc di chuyển các thiết bị gặp nhiều khó khăn. Đến khi lực lượng chức năng tiếp cận được thì lửa đã bùng lên quá to.
Lúc này, chỉ huy đơn vị đã chia thành 2 mũi, 1 mũi cứu hộ và 1 mũi chữa cháy. Anh Trung nhận nhiệm vụ mũi cứu hộ nên tiên phong vào trong tòa chung cư mini. Khi mũi cứu hộ di chuyển thì mũi chữa cháy phối hợp làm mát, giảm sức nóng để anh cùng đồng đội tiếp cận hiện trường.
"Điều khiến chúng tôi gặp khó khăn nhất trong công tác cứu hộ cứu nạn chính là không thông thuộc địa hình. Bên cạnh đó, lửa cháy to dẫn đến sụt một nửa cầu thang giữa tầng 1 và tầng 2. Khi tôi và đồng đội bắt đầu cứu nạn thì một số nạn nhân nhảy từ trên tầng xuống đất. Đây là điều khiến tôi cảm thấy ám ảnh nhất. Tôi nhớ như in hình ảnh 4 người dân nhảy xuống ngay trước mắt mình.
Lúc đó, tôi cùng đồng đội chỉ biết hô hoán người dân xin đệm ngủ để đề phòng việc người dân tiếp tục nhảy xuống, đồng thời nhanh chóng đưa các nạn nhân đó đi cấp cứu. Chúng tôi đã cố gắng trấn an người dân nhưng do gặp cháy lớn, với tâm lý hoảng loạn nên một số người đã chọn phương án này. Tôi không dám nghĩ đến cảnh nạn nhân nhìn vào mắt mình khi đó", anh Trung nói.
"Tôi đã từng nghĩ đến cảnh mình có thể hy sinh vì dân, bởi đó là sứ mệnh của những người mang màu áo lính"
Anh nhớ lại khoảng thời gian rạng sáng ngày 13/9, khi ngọn lửa đã được khống chế, anh cùng đồng đội bắt đầu di chuyển lên các tầng bên trên chung cư mini để cứu người mắc kẹt. Gặp nạn nhân nhỏ anh sẽ bế hẳn ra ngoài, đối với những người lớn không còn sức di chuyển thì 2 chiến sĩ sẽ phối hợp đưa ra ngoài. Mọi người mang cáng lên, dùng chăn cuốn lấy nạn nhân thành vòng tròn đỡ xuống dưới rồi đưa ra xe cấp cứu.
Đến khoảng 4 giờ cùng ngày, khi công tác cứu hộ tới khu vực tầng 7 của tòa chung cư mini cũng là lúc anh Trung kiệt sức. Khi vừa ra ngoài, anh thấy bản thân bị choáng, tụt canxi, khó thở và được đưa vào bệnh viện. Các lực lượng còn lại tiếp tục cứu hộ đến khoảng 8 giờ cho đến khi các đội khác đến chung cư dập tàn.
"Trong lúc cứu nạn, tôi đã nhìn thấy nhiều nạn nhân thiệt mạng nên dù bị bỏng một chân tôi vẫn cố gắng hết sức để cứu người. Tôi từng nghĩ đến cảnh mình có thể hy sinh vì người dân, bởi đó là sứ mệnh của những người khoác lên mình màu áo lính. Nhưng dù có nguy hiểm đến đâu, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận", anh Trung nói tiếp.
Trước đó, ngày 26/9, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 26 trường hợp nạn nhân vụ cháy hít phải khói độc ở các mức độ khác nhau, trong đó có 2 người nguy kịch, 2 người bị đa chấn thương, 7 bệnh nhi, 1 người bệnh cao tuổi (81 tuổi). Những ngày sau đó, Bệnh viện tiếp nhận thêm 5 bệnh nhân từ bệnh viện khác chuyển tới.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay trong quá trình điều trị, các y bác sĩ phải rửa phổi cho các bệnh nhân nhiều lần trong nhiều ngày, dịch rửa phổi đục đen.
"Những ngày qua, bệnh viện đảm bảo việc chăm lo đời sống, sức khỏe tinh thần cho người bệnh. Bệnh viện không thu bất kỳ chi phí nào của người bệnh, cũng như các phụ phí sinh hoạt khác của người nhà người bệnh trong thời gian nằm viện", bác sĩ Giáp cho hay.
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết trong số các bệnh nhân còn lại đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện trường hợp nặng nhất là bệnh nhân N.V.C (thiếu tá biên phòng). Anh C hiện được điều trị tại Trung tâm Hồi sức Tích cực, tình trạng vẫn nặng, hiện tiếp tục thở máy, các chỉ số sinh tồn chưa cải thiện, ý thức vẫn lơ mơ.
Những ngày qua, các chuyên gia của bệnh viện đều hội chẩn thường xuyên để theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân N.V.C để có phương án điều trị phù hợp. Các bệnh nhân còn lại, một vài ngày tới sẽ được ra viện.
Trước đó, vào khoảng 23 giờ 50 phút ngày 12/9/2023, trên địa bàn phường Khương Đình quận Thanh Xuân xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, có diện tích khoảng trên 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Đây là một trong những vụ cháy có số người thương vong nhiều nhất trong những năm qua tại Việt Nam.
Ngành y tế Hà Nội đã huy động 15 xe cấp cứu với khoảng 50 nhân viên y tế đến hỗ trợ công tác cấp cứu, vận chuyển các nạn nhân trong vụ cháy chung cư trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.