Ngày Tết đốn củi cưới chồng của thiếu nữ Giẻ Triêng

Trần Hiền Thứ năm, ngày 07/02/2019 09:36 AM (GMT+7)
Dịp Tết Kỷ Hợi này, các thiếu nữ Giẻ Triêng ở Kon Tum tất bật lên rừng kiếm củi, chuẩn bị mang sang nhà trai cưới chồng. Củi được chẻ thành 5 cánh, khi xếp phải khít liền nhau, củi lấy càng xa thì tình yêu dành cho người chồng tương lai càng lớn.
Bình luận 0

Củi hứa hôn

Vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, trong tiết trời giá rét, người con gái trên “cổng trời” Đăk Man hay xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) lại choàng khăn, đeo gùi lên rừng tìm củi hứa hôn. Từng đợt rét “cắt da cắt thịt” ùa về, ấy vậy mà những cô gái Giẻ Triêng vẫn không quên việc đi tìm củi hứa hôn để minh chứng tình yêu của mình với chàng trai của họ.

Từ tờ mờ sáng, khi những ngọn núi trên “cổng trời” Đăk Man vẫn còn bị bao phủ bởi từng áng mây mù, những cô gái Giẻ Triêng đã có mặt dưới chân núi.

img

Vợ chồng ông A Đăk và bà Y Nhát bên những bó củi vừa nhận được của cô con dâu mới.

Có thể nói, phong tục cõng củi cưới chồng là một trong những tục lệ cưới xin khá độc đáo của người Giẻ Triêng. Bởi ở các dân tộc khác, đốn củi, chẻ củi vẫn là công việc của các đấng nam nhi, nhưng với người Giẻ Triêng, cô gái lại là người phải tìm và chẻ đủ 100 bó trở lên rồi mang sang nhà trai.

Dù không nhớ tuổi, nhưng bà Y Nhát (xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) vẫn nhớ như in câu chuyện tìm từng khúc củi, chẻ đều tay cõng sang nhà chồng 30 năm về trước.

img

Những bó củi hứa hôn được xếp thành từng đống lớn sau nhà.

Ngồi bên bếp lửa rực hồng, bà Nhát kể lại: “Năm ấy, tôi có ưng A Đăk, hiện là chồng tôi bây giờ. Sau những lần hẹn hò tại nhà Rông, tôi và chàng trai này có tình cảm với nhau. Sau khi thưa chuyện với bố mẹ, tôi được một già làng chuẩn bị lễ vật đứng ra mai mối. Lễ ăn hỏi được tổ chức vào ban đêm, khi ấy nhà trai bí mật mang lễ vật sang nhà gái. Khi đó, người mai mối sẽ xin phép thần linh và bắt cô gái phải nhận những lễ vật của nhà trai. Sau khi tiến hành xong đám hỏi ở nhà trai, nhà gái sẽ đón nhà trai và người mai mối về làm đám hỏi ở nhà mình”.

“Lễ cưới sau đó diễn ra vào ban ngày. Việc quan trọng nhất, khiến tôi nhớ nhất là gia đình tôi phải chuyển số củi tôi đã chẻ được trước đó sang nhà trai. Chúng tôi gọi đó là củi hứa hôn. Việc chẻ đủ 100 bó củi thể hiện tính siêng năng và sự khéo léo của người con gái khi đến tuổi trưởng thành. Sau khi nhận củi, phía nhà trai tặng cho nhà gái một đùi lợn, gạo, muối, ớt và một bầu rượu. Thấm thoát mới đó mà đã 30 năm rồi…”, bà Nhát trầm tư kể lại.

Sứ giả của thiện chí

Khi đã đến tuổi cập kê, các cô gái Giẻ Triêng không chỉ biết đan chiếu, dệt vải mà họ còn phải biết chẻ củi, bởi người Giẻ Triêng cho rằng, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ. Nếu như bó củi của người con gái được chặt bằng, đều và không rời nhau nghĩa là cô gái này rất khéo tay và ngược lại.

Không chỉ minh chứng tình yêu mà cô gái dành cho chàng trai, những bó củi tình yêu này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét. 

img

Những bó củi thể hiện tình cảm to lớn, thiêng liêng mà cô gái dành cho chồng và nhà chồng của mình.

Còn chị Y Thiu (25 tuổi, xã Đăk Nhoong) phân tích: “Củi hứa hôn đưa sang nhà trai càng nhiều thì tình cảm của cô gái dành cho chàng trai càng lớn. Thông thường người con gái Giẻ Triêng sẽ phải chẻ từ 100 bó trở lên, mỗi thanh củi dài khoảng 90cm, vì theo tục lệ xưa thì trai 7, gái 9. Bó củi phải đều đẹp và bằng nhau, mỗi thanh củi phải được chẻ thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng tuyệt đối không được rời nhau. 

Ngày trước, những người phụ nữ lên rừng đốn củi hứa hôn thường chọn củi dẻ vì loại củi này cháy lâu, than đượm ít tro, nhưng hiện nay họ đã thay bằng cây bời lời để bảo vệ rừng…”.

Trao đổi với PV, ông A Quang – Phó chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết, phần lớn các hộ dân sinh sống trên địa bàn đều là người Giẻ Chiêng. Ở đây, họ có phong tục cưới xin bằng củi hay còn gọi là củi hứa hôn. Phong tục này đã có từ rất lâu, lưu giữ nét đẹp truyền thống từ xưa đến nay… Người dân nơi đây rất quý trọng, nâng niu những giá trị truyền thống tốt đẹp như vậy.

Ở địa phương nào cũng vậy, những hủ tục lạc hậu đương nhiên sẽ bị xóa bỏ, đồng thời bảo tồn và phát huy những phong tục tốt đẹp.

img

Những bó củi được xếp thành từng đống lớn cạnh nhà người con trai.

Củi gắn liền với lửa nên với người Giẻ Triêng, đó còn là sự sống vĩnh cửu. Họ không chỉ dùng củi trong việc cưới xin, mà còn dùng trong nhiều việc quan trọng khác như hòa giải, xin đất, cất nhà... Họ coi củi là sứ giả của thiện chí với những mong muốn tốt lành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem