Ngày xuân nghe phóng viên kể chuyện bi hài tác nghiệp

Thứ năm, ngày 14/02/2013 19:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng đồng nghiệp đóng giả vợ chồng để "phục kích" ông lang bắt mạch bằng kim băng; bị dọa đánh, thu máy ảnh vì tướng tá "chả giống nhà báo"... là những chuyện bây giờ mới kể của phóng viên NTNN.
Bình luận 0

“Làm vợ đồng nghiệp”

Để khui những chuyện vô lý, nực cười của hai ông lang bốc thuốc sinh con trai mách qué ở xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh), tôi và PV Thanh Xuân đóng giả một cặp vợ chồng đang khao khát sinh con trai để được bắt mạch, kê đơn.

Kỷ lục thế giới chắc chắn sẽ ghi nhận một phương pháp khám bệnh “kỳ tài” của lang băm Nguyễn Duy Hợp (xã Mão Điền): Bắt mạch bằng kim băng. Ông Hợp buộc một cái kim băng hoen gỉ vào một sợi chỉ, quay vòng vòng trên cổ tay tôi khoảng 30 giây, sau đó phán: “Cô đã có 3 đứa con gái và chỉ có thể đẻ được con gái mà thôi”. Tôi cãi: “Cháu chỉ có 1 đứa con gái 3 tuổi mà”. Ông Hợp chắc như đinh đóng cột: “Cộng cả 2 lần phá thai lần trước nữa, đều là con gái cả”. Tôi thực sự “bái phục” ông thầy lang kiêm thầy bói này, vì thực tế, tôi có 1 cậu con trai 12 tuổi.

img

Phóng viên Diệu Linh.

Quay sang ông chồng hờ Thanh Xuân, “thầy bói” lướt qua lướt lại cây kim băng trên lòng bàn tay Xuân rồi lắc đầu ái ngại: “Thằng này chỉ có 32% tinh trùng Y thôi… hơi yếu. Nhưng thế cũng còn tốt chán, nhiều đứa gặp tao chỉ có 10% thôi mà uống thuốc rồi vẫn sinh được con trai”. Trong khi khoa học chỉ có một cách duy nhất phân định số lượng X-Y bằng cách lấy mẫu rồi soi trên kính hiển vi thì “ông lang” này chỉ đọc bằng một cái kim băng. Quả là siêu việt. Đáng tiếc, ngồi cùng phòng với “vợ chồng” tôi còn có nhiều cặp vợ chồng khác xếp hàng, trong số đó toàn người có trình độ đại học, làm giáo viên, công chức…

Bài thuốc của thầy lang Phương bên xã Đài Xuân (Quế Võ) còn kinh hãi hơn- bọc một nhúm thuốc vào miếng vải rồi cho vào âm đạo để trong vòng 36 giờ lấy ra, nếu thấy nóng rát là có tác dụng. Với bài thuốc này, các bác sĩ phụ khoa đã khẳng định nếu áp dụng sẽ không tránh khỏi viêm nhiễm. Lúc đó, nguy cơ viêm tắc ống dẫn trứng còn cao hơn, nói gì chữa vô sinh hay sinh con trai. Hơn nữa, ông lang này còn chửi bậy như hát hay…

Hai ông “lang băm” khiến tôi và Thanh Xuân, vừa phi ra khỏi làng đã cười như vỡ cả lồng ngực sau những cơn kìm nén khó tả. Cười mà buồn bởi thấy sao còn nhiều người dân u mê đến như vậy. Những lang băm đó không hề che giấu sự vô học, thiếu văn hóa và sự bịp bợm, lừa đảo của mình nhưng nhiều người vẫn tìm đến để làm miếng mồi ngon cho họ thu lợi. Phải chăng người dân thiếu kiến thức hay vì khao khát sinh con trai khiến họ mê muội?

Phía sau “kỳ án ba ba ”

Sự việc bắt đầu từ tháng 7.2012, khi anh Hữu Thọ - phóng viên ảnh của báo loan tin: “Có doanh nghiệp buôn ba ba bị xử nặng ở Quảng Bình, kêu khắp nơi không thấu, đâm đơn kiện cả chủ tịch tỉnh ra tòa. Chú phải xắn tay mà làm”.

img
Phóng viên Sỹ Lực.

Đã đến mức kéo nhau ra tòa thì vụ việc tất nhiên là căng thẳng, báo chí khó bề làm thay đổi tình thế nhưng tôi vẫn vào cuộc. Số là, Công ty Tiền Hậu bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình quyết định tịch thu toàn bộ “tang vật” và phạt 500 triệu đồng vì vận chuyển 608 con ba ba (bị cho là động vật rừng không nguồn gốc).

Ông Trần Đình Quyết- Giám đốc Công ty Tiền Hậu choáng váng, phần vì ông không bắt ba ba ở rừng mà mua trong ao của nông dân, phần vì chưa lần nào ông bị phạt “đau” như vậy. Mấu chốt vấn đề là cần xác định bằng được ba ba là động vật rừng hay vật nuôi thông thường. Gần 20 năm nay, ba ba đã được bà con nuôi phổ biến như cá, gà hay lợn, nghĩ nó là động vật rừng hay động vật nuôi cũng không sai. Nghĩ vậy, tôi bắt tay vào viết.

Báo xuất bản, lập tức có hiệu ứng tốt. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý lên tiếng ủng hộ. Có vị tiến sĩ ở Viện Chăn nuôi còn vỗ vai khích lệ: “Cả đời tôi muốn đưa một số con đặc sản đã phổ biến ra khỏi sự quản lý của kiểm lâm nhưng không được. Nhân vụ này, chú hãy cố làm”. Nhưng rồi, khi phiên tòa diễn ra, tất cả bị giội một gáo nước lạnh ngắt: Tòa coi ba ba là động vật rừng; doanh nghiệp bị xử phạt là không oan.

Mọi việc tưởng chừng chấm hết thì đúng lúc đó, Bộ NNPTNT đang soạn thảo danh mục các loài động vật rừng bị kiểm soát; ba ba bị liệt vào danh mục đó. Chúng tôi ráo riết tranh luận, phỏng vấn những người tham gia soạn thảo. May sao, đúng lúc cao điểm của vụ kiện, ba ba được bỏ ra khỏi danh mục, chính thức được cởi trói.

Vụ việc này chúng tôi đeo đuổi gần 20 kỳ báo và các ấn phẩm khác- điều rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy mình chưa làm trọn vẹn bởi sau phiên tòa, doanh nghiệp mất mát quá lớn; còn quan chức lặng thinh, mất đi cái chất “đa ngôn” vốn có của người dân Quảng Bình.

“Ông này không giống phóng viên”

Dù đã theo nghề hơn chục năm, tuy nhiên với chiều cao hơn 1,7m, nhưng nặng thì chưa đến 50kg, cộng với khuôn mặt khá lành nên đi vào những điểm nóng tôi ít bị “soi”; còn người được tiếp cận cũng ít… cảnh giác. Thế nhưng cũng chính vì dáng vẻ này mà cách đây khoảng 3 tháng, tôi suýt bị đập hư máy ảnh và no đòn.

img
Phóng viên Công Xuân.

Đó là lần đi tác nghiệp cùng với anh Hiển Cừ, phóng viên Báo Thanh Niên, thường trú tại Quảng Ngãi tại khu vực tàu cổ vật bị chìm ở bãi biển thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, vào gần trưa ngày 13.10.2012. Khi chúng tôi tới, khá nhiều người dân địa phương tụ tập để giải vây nhóm người trục vớt cổ vật trái phép (vừa bị bắt giữ), đồng thời ném đá và đập phá phương tiện của lực lượng đang tham gia bảo vệ.

Trước sự việc trên, cả 2 chúng tôi vội vã chạy đến sát địa điểm chiếc xe của lực lượng cảnh sát bị lật ngã để ghi hình. Anh Hiển Cừ đưa máy ảnh chụp liên tục thì chẳng ai để ý, thế nhưng khi tôi vừa chọn xong vị trí thích hợp, chuẩn bị lấy máy ảnh ra chụp thì ngay lập tức hàng chục thanh niên mặt mày hầm hầm, tay cầm đá và gậy kéo đến vây quanh, một trong số đó hất hàm: “Ông làm gì mà chụp ảnh?”.

Dù rất bất ngờ trước tình huống ngoài dự kiến, tôi cũng kịp lên tiếng phân bua: “Tôi là phóng viên”. Thế nhưng những người kia vẫn gằn giọng: “Thằng kia (phóng viên Hiển Cừ) mới là nhà báo, tướng ông mà phóng viên cái gì, chắc là công an mật. Lấy máy ảnh rồi đánh nó đi”.

Không biết có phải vì tôi “cao số”, hay thương cái tướng ròm của tôi nên nhóm thanh niên vẫn chần chừ chưa ra tay. Lợi dụng “thời cơ vàng” đó, tay ôm chặt máy hình, tôi lách nghiêng người và chạy thục mạng về phía cán bộ và chiến sĩ công an đang đứng làm nhiệm vụ gần đó.

Tại đây, một lần nữa tôi mới biết mình quá may mắn bởi trước đó, ngay đại tá Huỳnh Thanh Trang - Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng đã bị những kẻ quá khích ném đá tới tấp, rất may không bị thương tích nặng. Sau lần tác nghiệp nhớ đời, thỉnh thoảng gặp nhau, phóng viên Hiển Cừ, đùa: “Chào “công an mật”.

Biểu tình à? - chuyện nhỏ!

Không chỉ biết tới trái bóng, nhóm phóng viên NTNN còn có cơ hội tác nghiệp ở một cuộc biểu tình với quy mô lên tới trên 50 nghìn người trong những ngày theo chân đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) 2012…

img
Nhân viên an ninh thân thiện chụp hình lưu niệm cùng PV Lê Đức.

Sáng 24.11.2012, không khí ở khách sạn Chaleena (Bangkok, Thái Lan) – “đại bản doanh” của các phóng viên Việt Nam khá trầm lặng. Đang loay hoay lướt mạng chợt tôi bắt gặp thông tin: “Trưa 24.11, sẽ có trên 50.000 người dân Thái Lan tập trung ngay sát tòa nhà Quốc hội để biểu tình chống Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra”.

“Còn chần chừ gì nữa, lên đường tác nghiệp thôi”, tôi tự nhủ. Qua phòng một số anh em khác rủ đi... cho vui thì nhận được những cái lắc đầu kèm theo lời khuyên: “Đất khách quê người, vào đó có khi chưa được… chùm ảnh, máy móc đã bị đập bể, sứt đầu mẻ trán như chơi ông ạ!”. Nghe vậy cũng hơi ơn ớn, nhưng tôi vẫn quyết “thử xem” không khí một cuộc biểu tình nơi xứ lạ.

Trong suốt đoạn đường tới địa điểm biểu tình, tôi thấy là lạ khi anh chàng tài xế taxi Sukhan không tỏ vẻ gì lo lắng. Theo Sukhan, anh đã quen với những cuộc biểu tình và không có gì đáng ngại cả. Biết thế, chúng tôi càng vững tâm hơn một chút và chờ đợi những trải nghiệm thú vị. Tới nơi, chứng kiến hàng nghìn cảnh sát được trang bị tới tận “chân răng” với đủ mọi vũ khí bao bọc vòng trong, vòng ngoài nhằm phòng chống nguy cơ bạo động có thể xảy ra, tôi lại thấy ghê ghê…

Để vào được bên trong, tất cả những người tham gia biểu tình và cả các du khách nước ngoài, phóng viên các đài truyền hình đều bị kiểm tra rất gắt gao ở cổng, trước khi có thể tiếp cận khu vực biểu tình để đưa tin.

Nhưng rồi cái cảm giác gờn gợn ấy cũng nhanh chóng tan biến mất khi tôi cảm nhận được sự thân thiện của các nhân viên an ninh. Biển người biểu tình với mọi thành phần lứa tuổi đều rất kỷ luật, tự do bày tỏ tình cảm, chủ kiến trong khuôn khổ. Chẳng có cảnh hỗn độn, chen lấn với những cuộc đụng độ đẫm máu nào, thay vào đó, chúng tôi tha hồ phỏng vấn, chụp hình. Thậm chí, ban tổ chức cuộc biểu tình còn tặng nước uống miễn phí và vui vẻ chụp ảnh lưu niệm…

Săn ảnh ô nhiễm trên vịnh Hạ Long

“Anh phải như ngư dân ở đây, áo bạt bộ đội cũ, quần thô bạc màu, mũ cối và đôi dép tổ ong. Nhớ là máy ảnh phải bọc kín trong túi màu đen nhé”- anh Hải – ngư dân trên vịnh Hạ Long bảo tôi cách ngụy trang trước khi đi ra cảng Hòn Gai.

img
Phóng viên Hoàng Anh Tuấn.

Anh Hải cho tôi lên thuyền đi ra ngoài vị trí 2 chiếc tàu Amico và Teo trọng tải hàng vạn tấn neo đậu giữa vịnh Hạ Long trong buổi sáng ngày 31.5 đang “ăn” clanhker từ hàng chục chiếc sà lan vận chuyển từ các nhà máy xi măng gần đó và ở Thanh Hóa, Ninh Bình chuyển ra. Theo anh Hải, nếu không hóa trang thì khó tiếp cận bởi thấy thuyền lạ là nhân viên trên 2 con tàu lớn kia sẽ dừng lại.

Rời bờ, chiếc thuyền gỗ gắn máy của anh Hải lướt nhẹ trên mặt biển. Khi cách vị trí tàu vài trăm mét đã nhìn thấy bụi tung lên như khói tòa nhà cháy nhưng do trời âm u nên có chụp hình cũng không rõ lắm, vì thế chúng tôi phải tiến sát lại gần. Đúng như lời anh Hải nói, thấy thuyền lạ tiến đến hoạt động sang tải clanhker của 2 con tàu lớn bỗng dừng hẳn.

Sau đó, thấy chúng tôi mặc quần áo ngư dân nên lại tiếp tục công việc. Gần chục chiếc cẩu mang gầu của 2 tàu lại gầm lên ngoạm clanhker từ khoang của các sà lan lên khoang hàng. Quá trình bốc, sang tải dồn dập và cẩu thả nên bột clanhker vốn rất nhẹ, tung mù mịt. Do đứng ở cuối gió, chúng tôi hít đủ lượng bụi bay tới. Lúc này, tôi chỉ biết giơ máy ảnh đã cài đặt sẵn chế độ chụp nhanh lên bấm liên tục.

Ngay sau khi Báo NTNN và Báo Điện tử Dân Việt đăng tin “Bụi clanhker tung mù trời vịnh Hạ Long ngay trước mắt du khách”, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Thanh tra Sở TN - MT và Cảnh sát môi trường tỉnh vào cuộc. Sau đó, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính các đơn vị vi phạm, kèm theo Quyết định số 2657/QĐ-UBND chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải clanhker, xi măng và các loại hàng hoá rời trên vịnh.

Quà quý từ Trường Sa

Tôi cầm tinh con trâu nên phải “cày” và năm 2012 là một năm “cày” từ biển lên rừng: Từ di chuyển con thoi viết loạt bài về “Người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh”; “Ụ nổi Venture Dock 2 bỏ hoang trên vịnh Cam Ranh” tới lên thượng nguồn sông Giang để mục sở thị cảnh thủy điện phá rừng rồi “nằm vùng” ở xã đảo viết vụ “Xã có 3 dự án sân golf”... Bạn bè hỏi, cả một năm làm “thợ cày… chữ”, có gì đáng để kể không? Có chứ, thông tin nào cũng có hiệu quả, địa phương đã vào cuộc xử lý. Nhưng, để mà kể về kỷ niệm tác nghiệp, tôi sẽ nói về chuyến đi Trường Sa dịp 30.4…

img
Phóng viên Mai Khuê.

Ngay sau khi Phó Văn phòng đại diện NTNN tại miền Trung, anh Cẩm Châu thông báo đăng ký tác nghiệp Trường Sa, tôi đã đón ngay cơ hội này và may mắn được đi vào dịp 30.4, được đón Tết Thống nhất trên quần đảo Trường Sa. Có lẽ quá phấn khích với những niềm vui ánh lên trong mắt, trên miệng cười, trên gương mặt cháy nắng của chiến sĩ Trường Sa mà cái máy hình bỗng giở chứng hỏng chức năng lấy nét tự động (auto focus), máy tính xách tay thì “rơi tự do” ở nhà đèn Trường Sa lớn. Hậu quả là nứt pin, bật nắp ổ cứng…

May thay, dù màn hình bị chảy tinh thể đen thui một nửa nhưng loạt ảnh lễ đón Tết Thống nhất trên Trường Sa Lớn, lễ tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa… vẫn chạy ngay về tòa soạn. Và chuyến đi được chuẩn bị công phu kiểu “để Trường Sa ngấm vào người trước ngày lên đường” đã kết thúc bằng 4 kỳ phóng sự chân trang “Hiên ngang Trường Sa” chất chứa tình cảm, sự khâm phục của đất liền đối với quân và dân Trường Sa thân yêu.

Tôi còn được mang về bờ những vật vô cùng quý giá, đó là những con ốc “vĩ đại” mà một vài chiến sĩ nào đó đã dúi vào tay lúc rời đảo, là tấm Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và chiếc bản đồ chuyến đi với tất cả chữ ký, con dấu ở những hòn đảo mà tôi đã được đến thăm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem