Nghệ An: 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường

Cảnh Thắng Thứ hai, ngày 10/05/2021 16:33 PM (GMT+7)
Hiện tượng những khoảng ruộng bị sụt lún và nước ở các giếng trơ đáy bất thường, kéo dài nhiều tháng qua đang làm cho người dân 3 bản tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thấp thỏm, lo âu, không còn biết nhờ ai "dò" nguyên nhân hiện tượng.
Bình luận 0

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì ruộng xuất hiện những hố sụt lún, giếng thì cạn trơ đáy. Video: Cảnh Thắng

Đất liên tục bị sụt lún, hơn 153 giếng nước của người dân cạn trơ đáy

Hiện tượng sụt lún đất, giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy khiến hơn 153 hộ dân ở 3 bản Na Hiêng, Công, Na Noong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) sống trong nơm nớp, lo sợ. 

Hiện tượng này bắt đầu từ cuối năm 2020 và đến đầu năm 2021 thì xuất hiện nhiều nên người dân hoang mang báo với chính quyền địa phương.

Nghệ An: Hơn 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường   - Ảnh 2.

Người dân bản Na Hiêng lo lắng khi liên tục ngoài đồng ruộng xuất hiện nhiều hố lún lụt rộng 7 mét, sâu 2,5 mét. Ảnh: Cảnh Thắng

Bà Quang Thị Phòng, trú tại bản Na Hiêng cho biết: "Dân chúng tôi khổ lắm, mấy tháng nay, tại đồng ruộng của chúng tôi xuất hiện nhiều hố sụt lún, chúng tôi không dám đến gần ruộng của mình. Khi các anh đến thì mới xuất hiện thêm một hố sụt lún, gần đây thôi, chúng tôi rất sợ".

Tại ruộng của bản Na Hiêng có tới 5 hố sụt lún đất, mỗi hố sụt lún có chiều rộng khoảng 7 mét, sâu khoảng hơn 2,5 mét. 

"Ruộng lúa đang xanh mướt như thế, đột nhiên lại sụt lún, khiến bà con chúng tôi không dám lại gần vì sợ, lỡ đi làm đồng mà đất nó sụt thì không biết tính mạng có được đảm bảo hay không", bà Phòng cho biết thêm.

Trong khi đó ông Kim Văn Cân, bản Na Hiêng cho hay: "Tôi sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa thấy hiện tượng nào đáng sợ như thế này. Đất ruộng thì bị sụt lún, giếng nước của gia đình chúng tôi cạn trơ đáy, không có nước. 

Hàng ngày người dân đi làm đồng, đi chăn thả trâu bò, nhưng từ khi xuất hiện những hiện tượng sụt lún đất chúng tôi không cho con cháu lại gần ruộng, vì sợ".

Nghệ An: Hơn 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường   - Ảnh 3.

Những hố nước xuất hiện trên ruộng ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khiến người dân sống bất an. Ảnh: Cảnh Thắng

"Chúng tôi bức xúc lắm, hiện tượng này xuất hiện từ khi nhà máy luyện thiếc của một doanh nghiệp hoạt động gần đất ruộng chúng tôi. Họ không những luyện thiếc gây ảnh hưởng đến người dân chúng tôi mà còn chặn dòng suối tại hang Cát tơ bên trên khiến nguồn nước cung cấp cho đồng ruộng bị phong tỏa", ông Kim Văn nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lương Văn Long - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng xác nhận: "Hiện tượng sụt lún đất ruộng, giếng nước người dân cạn trơ đáy xuất hiện từ cuối năm 2020, đến nay đã có 6 hố sụt lún tại cánh đồng Na Pải. Các hố sụt lún có đường kính trung bình từ 2,5 đến 7 mét, chiều sâu từ 1,5 đến 2,5 mét. 

Đặc biệt, tại 3 bản Na Hiêng, Công, Na Nong có tới hơn 153 giếng nước của người dân bị khô kiệt nước. Hiện chúng tôi đã báo cáo tình hình này lên huyện, để kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân".

Nghệ An: Hơn 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường   - Ảnh 4.

Những vết lún sụt của đất rất mới tạo thành những hố lớn khiến người dân không ai dám đến gần. Ảnh: Cảnh Thắng

"Từ đầu năm, các giếng nước trong bản đã cạn dần rồi hết sạch nước. Hiện tượng này, bà con chúng tôi chưa gặp bao giờ. Chúng tôi nghi ngờ do người ta khai thác khoáng sản nhà máy thiếc, đào sâu hút hết nước ngầm. Bà con đã nhiều lần kêu lên xã, nhưng đến nay cũng không được giải thích gì thêm", bà Quang Thị Phòng nói.

"Ở xã Châu Hồng gần như giếng nước nhà nào cũng được đào rất sâu. Từ ngày có bản đến nay, chưa bao giờ ở Châu Hồng có hiện tượng cạn giếng. Thế mà bây giờ, bà con đang hết sức khốn khổ, cuộc sống bị đảo lộn vì thiếu nước" - bà Phòng lo lắng.

Nghệ An: Hơn 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường   - Ảnh 5.

Nhà máy luyện quặng thiếc của Công ty Tân Hoàng Khang cách đó không xã. Ảnh: Cảnh Thắng

Nhà chị Sầm Thị Hoa ở bản Na Hiêng có giếng đào sâu hơn 10 mét, nay đã trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, gia đình chị phải chi thêm mỗi tháng 300.000 đồng để mua nước ở các xã bên cạch. 

Những gia đình khó khăn trong bản, đành phải nhắm mắt dùng nguồn nước ô nhiễm từ suối Nậm Tạt.

Cần làm rõ nguyên nhân

Nghệ An: Hơn 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường   - Ảnh 6.

Ông Kim Văn Cân cho rằng nhà máy luyện thiếc là nguyên nhân của việc sụt lún đất ruộng và làm nước giếng cạn trơ đáy. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó ông Lương Văn Long - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, tình trạng sụt đất ruộng bất thường và hàng trăm giếng nước cạn kiệt hàng loạt đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. 

Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến 110 ha đất trồng lúa, và hơn 50 ha đất cây trồng khác khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn mà còn tạo ra tâm lý hoang mang, bất ổn ở địa phương.

"Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên, đề nghị làm rõ nguyên nhân nhưng vẫn chưa có kết quả. Sắp tới doanh nghiệp Tân Hoàng Khang đã tự bỏ tiền ra lắp đường ống để lấy nước đầu nguồn về cho người dân", ông Long cho biết.

Nghệ An: Hơn 153 hộ dân kêu cứu vì đất sụt, giếng cạn trơ đáy bất thường   - Ảnh 7.

Nhứng hố sụt lún ngoài ruộng khiến dân hoang mang. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Ngọc Bình – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: "Hiện tượng nước ngầm ở các giếng bị khô cạn, mặt ruộng xuất hiện nhiều hố sụt lún chúng tôi đã thành lập đoàn vào kiểm tra, sau khi kiểm tra chúng tôi đã báo cáo hiện tượng trên cho Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay tỉnh cũng đã thành lập một đoàn lên kiểm tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng."

Trong khi đó, ông Trần Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: "Vấn đề cấp bách nhất hiện này là nước sinh hoạt cho bà con nhân dân xã Châu Hồng. Hiện đã có doanh nghiệp đầu tư đường ống nước cho bà con rồi. Do ngân sách huyện khó khăn nên kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ bà con thôi.

Chúng tôi có đề xuất UBND tỉnh Nghệ An thành lập đoàn chuyên gia để điều tra nguyên nhân vụ việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đoàn chuyên gia nào. Trong khi đó nguyên nhân vẫn chưa rõ!", ông Lợi cho biết thêm.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này...

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Châu Hồng hiện đã có 156 giếng bị cạn kiệt nước; trong đó bản Na Hiêng 109 giếng, bản Ná Noong 23 giếng và bản Công 24 giếng. Có 170 hộ của 3 bản này, bị ảnh hưởng do giếng cạn kiệt nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem